Tên thường gọi: Kê nội kim
Bạn đang đọc: Kê nội kim: Vị thuốc Đông y có tác dụng tiêu thủy cốc, lý tỳ vị
Tên gọi khác: Màng mề gà, kê hoàng bì, kê chuẩn bì
Tên khoa học: Corium Stomachichum Galli.
Họ: Chim trĩ (Phasianidae)
Nội Dung
Tổng quan về kê nội kim
Tìm hiểu chung về kê nội kim
Kê nội kim là lớp màng màu vàng phủ ở mặt trong của mề hay dạ dày gà.
Sau khi giết gà, người ta lập tức mổ lấy mề gà, bóc lớp màng rồi rửa sạch, phơi khô. Một số người nói không cần rửa nhưng thực tế cần rửa nhẹ tay để phần thức ăn còn sót lại trôi đi hết.
Màng tốt có màu vàng nâu, trên mặt có những vết nhăn dọc, thể chất giòn, dễ vỡ vụn, vết bẻ vụn có cạnh bóng. Toàn màng mề gà dài chừng 3,5cm, rộng 3cm và dày khoảng 5mm.
Thành phần hóa học trong kê nội kim
Trong kê nội kim có các protid các chất vị kích tổ (ventriculin). Những hợp chất khác chưa được nghiên cứu rõ.
Tác dụng, công dụng của kê nội kim
Kê nội kim có những công dụng gì?
Đây là một vị thuốc cổ truyền ở Việt Nam và Trung Quốc, đã được ghi nhận trong Thần nông bản thảo và Bản thảo cương mục.
Theo tài liệu cổ thì kê nội kim có vị ngọt, tính bình, quy vào 2 kinh phế và tỳ. Vị thuốc này có tác dụng tiêu thủy cốc, lý tỳ vị.
Người ta thường dùng kê nội kim trong những trường hợp đau bụng, ăn uống không tiêu, bụng đầy chướng, nôn mửa, bệnh lỵ, viêm ruột già, tiểu tiện ra máu. Dùng ngoài có thể chữa mụn nhọt.
Ở Trung Quốc, một số nơi dùng cả màng mề vịt gọi là áp nội kim. Chúng được sử dụng cùng một công dụng và liều lượng như màng mề gà. Tuy nhiên, chưa thấy có nhiều tài liệu nghiên cứu kỹ hơn.
Liều dùng của kê nội kim
Liều dùng thông thường của kê nội kim là bao nhiêu?
Liều dùng mỗi ngày khoảng 2–5g dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Một số bài thuốc có kê nội kim
Kê nội kim được sử dụng trong những bài thuốc dân gian nào?
1. Chữa viêm niêm mạc cổ họng, viêm niêm mạc miệng, cam răng
Kê nội kim thiêu tồn tính (đốt thành than), tán nhỏ, rây mịn. Sau đó, dùng bột bôi lên chỗ bị viêm.
2. Trị viêm ruột mạn tính, tiêu chảy, bụng chướng đầy khó chịu
Kê nội kim sao, bạch truật sao, liều lượng bằng nhau 200g, nghiền thành bột. Mỗi lần dùng 8g, ngày uống 2 lần. Chiêu với nước đun sôi, uống trước bữa ăn.
3. Trẻ em tiêu hóa không tốt
Gạo tẻ 100g nấu cháo, kê nội kim 15g sao phồng, tán bột cho vào cháo, thêm gia vị (muối hoặc đường), ăn ngày 1–2 lần.
4. Trẻ em bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng
Kê nội kim 1 cái, hoài sơn 30g, hai thứ sao vàng, tán bột. Gạo nếp 50g nấu cháo. Mỗi lần cho 5g bột nấu cùng cháo, ăn ngày 1–2 lần, ăn liền trong một tuần.
5. Trẻ chán ăn, chướng bụng, ngủ không yên
Kê nội kim 30g rửa sạch, phơi khô, sao vàng rồi tán thành bột, trộn thêm ít đường để uống ngày 3 lần. Trẻ dưới 3 tuổi mỗi lần uống 0,5g, trẻ 3–5 tuổi mỗi lần uống 1g. Trẻ từ 6 tuổi trở lên uống 1,5g.
6. Trẻ biếng ăn, ăn không tiêu, ra mồ hôi trộm
Kê nội kim 6g, lươn 1 con. Lươn làm sạch, cắt khúc, kê nội kim rửa sạch, bỏ vào bát sứ cùng thịt lươn, thêm gia vị, chưng chín, cho trẻ ăn nóng ngày 1 lần.
7. Trị tỳ hư tiêu chảy, tiêu hóa khó
Kê nội kim, bạch truật, gừng khô, mỗi thứ 125g. Đại táo nhục 250g, hấp chín. Ba vị trên sao, nghiền thành bột, thêm đại táo nhục giã nát, trộn đều, sấy khô. Mỗi lần uống 12g, ngày uống 2 lần, khi đói.
8. Chữa viêm loét dạ dày – tá tràng
Bột mịn kê nội kim 4g, bột mịn mai mực 4g, bột gạo nếp rang thơm 2g, bột cam thảo đã khử 0,2g. Tất cả trộn thành 1 gói, mỗi ngày uống 2 gói sau bữa ăn.
Lưu ý, thận trọng khi dùng kê nội kim
Khi dùng kê nội kim, bạn nên lưu ý những gì?
Để sử dụng kê nội kim một cách an toàn và có hiệu quả, bạn nên tham khảo trước ý kiến từ các bác sĩ, thầy thuốc Đông y uy tín. Một số thuốc, thực phẩm chức năng hay thảo dược khác mà bạn đang dùng có thể gây ra những tương tác không mong muốn với vị thuốc này.
Trong quá trình sử dụng, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường, hãy tạm ngưng dùng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Mức độ an toàn của kê nội kim
Chưa có đầy đủ thông tin về việc sử dụng kê nội kim trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc trước khi dùng.
Tương tác có thể xảy ra với kê nội kim
Kê nội kim có thể tương tác với một số thuốc, thực phẩm chức năng hay dược liệu khác mà bạn đang sử dụng. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi dùng, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ và thầy thuốc trước khi muốn dùng bất kỳ vị thuốc cổ truyền nào nào.
Kenshin không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
>>>>>Xem thêm: Top thực phẩm tốt và không tốt cho người bị viêm loét dạ dày