Bạn đang đọc: Mẹ bầu có nên đi bộ khi mang thai?
Đi bộ là một trong những bài tập thể dục dễ thực hiện nhất, đặc biệt là đối với các mẹ bầu luôn cần tập luyện nhẹ nhàng để kiểm soát trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng thai phụ không nên đi bộ. Liệu điều này có đúng không?
Nội Dung
Đi bộ khi mang thai có tốt không?
Đi bộ là một hoạt động tuyệt vời và an toàn cho các bà mẹ tương lai. Đây là một cách lý tưởng giúp đảm bảo bạn có những vận động cần thiết trong thời kỳ mang thai.
Đi bộ nhanh giúp tim và phổi hoạt động hiệu quả hơn mà không khiến đầu gối và mắt cá chân khó chịu. Đây là một hoạt động tự do mà bạn có thể dễ dàng kết hợp vào cuộc sống hàng ngày và có thể duy trì lâu dài.
Để có động lực nhiều hơn, bạn hãy đi dạo với bạn bè và gia đình. Điều này sẽ giúp thời gian trôi qua nhanh hơn và khuyến khích bạn kéo dài thời gian đi bộ.
Bạn cần chuẩn bị cho việc đi bộ trong thai kỳ thế nào?
Nếu bạn đi bộ thường xuyên trước khi mang thai, hãy cố gắng duy trì thói quen này. Ngược lại, nếu chỉ mới bắt đầu đi bộ, hãy bắt đầu bằng những buổi đi dạo ngắn khoảng 15 phút, ba lần một tuần.
Một khi đã hình thành thói quen đi bộ thường xuyên, bạn có thể gia tăng tốc độ nhanh hơn, thời gian có thể lên 30 phút, bốn lần hoặc nhiều hơn trong một tuần. Nếu có thể lực tốt, bạn nên thử đi bộ dài hơn, nhưng hãy đi chậm lại hoặc dừng nếu bạn cảm thấy quá mệt, không khỏe hoặc cảm thấy bất kỳ cơn đau nào. Cơ thể sẽ cho bạn biết dấu hiệu lúc nào nên dừng lại.
Nếu bạn không có nhiều thời gian, hãy kết hợp đi bộ với những công việc hằng ngày như đi bộ thay vì lái xe đối với những quãng đường ngắn, chỉ đi xe buýt một đoạn hoặc đi ra ngoài và duỗi chân vào giờ nghỉ trưa.
Bạn nên nhớ bôi kem chống nắng và đội mũ nếu đi bộ dưới trời nắng và nhớ mang theo một chai nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Mất nước có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể và điều này sẽ không tốt cho cả bạn và thai nhi.
Mẹ nên thích ứng với việc đi bộ thế nào trong suốt thời kỳ mang thai?
Với mỗi giai đoạn thai kỳ, bạn cần điều chỉnh việc đi bộ cho phù hợp với cơ địa và thể lực để đạt kết quả tốt nhất mà vẫn bảo vệ cả mẹ và thai nhi.
3 tháng đầu thai kỳ
Trong giai đoạn bắt đầu này, bạn không cần phải thay đổi thói quen đi bộ bình thường quá nhiều. Hãy lưu ý đi giày thấp, vừa chân để có thể thoải mái nhất. Khi đi, hãy đặt gót chân xuống trước rồi sau đó đến ngón chân thay vì đặt hẳn cả bàn chân xuống đường.
Bên cạnh đó, trong những ngày hè quá nắng gắt và oi ả cùng với độ ẩm không khí cao, mẹ bầu không nên đi dạo nhiều. Bạn có thể thử các hoạt động trong nhà khác như bơi lội.
3 tháng giữa thai kỳ
Vào thời gian này, bạn sẽ tràn đầy năng lượng hơn so với 3 tháng đầu nên có thể tăng khoảng cách đi bộ lên. Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy cồng kềnh hơn khi bụng bầu đang bắt đầu lộ rõ.
Khi đi bộ, hãy giữ cằm thẳng, hướng nhìn về phía trước, giữ dáng người thẳng để trọng lượng cơ thể được chia đều chứ không dồn về lưng gây đau mỏi. Bạn cũng nên xoay cánh tay để hỗ trợ cân bằng và tăng cường tập luyện nếu muốn.
Bạn có thể nhận thấy rằng cách đi bộ của mình đang thay đổi và hơi lạch bạch một chút. Đó là do cơ thể bạn đang điều chỉnh cho phù hợp với tất cả những thay đổi đang xảy ra khi mang thai. Hông và mắt cá chân sẽ phải vận động rất nhiều, do đó bạn có thể bị đau nếu quá sức. Hãy lắng nghe cơ thể của bạn và đừng đi bộ đến mức kiệt sức.
Nếu phải cố gắng để trò chuyện trong khi đang đi bộ, bạn hãy chậm lại một chút hoặc đi bộ trong khoảng thời gian ngắn hơn.
3 tháng cuối thai kỳ
Hãy duy trì bài tập đi bộ đều đặn cho tới cuối thai kì nếu bạn có thể. Trong giai đoạn này, bạn nên tránh đi bộ trên những con đường dài hoặc bất kì nơi nào có địa hình không bằng phẳng vì nó có thể làm bạn mất thăng bằng, dễ ngã hoặc thấy quá sức. Nếu bạn thấy đau vùng chậu hoặc lưng trong khi đi bộ, hãy nói ngay với bác sĩ để có thể được giới thiệu đến chuyên gia vật lý trị liệu.
Thời gian là một trong những điều tuyệt vời nhất mình có thể dành cho con, vì thế bạn hãy luôn cố gắng sắp xếp lịch làm việc để đi bộ hằng ngày với bé yêu trong bụng. Đó sẽ là thời gian vàng để mẹ bầu vừa rèn luyện sức khỏe vừa trò chuyện cùng con, giúp bé luôn cảm nhận được tình yêu của mẹ kể cả khi chưa chào đời.
Mẹ có thể quan tâm đến đề tài:
- 7 bí quyết duy trì lịch tập thể dục cho mẹ bầu.
-
3 bài tập thể dục chuẩn bị cho mẹ bầu chuyển dạ.
>>>>>Xem thêm: 7 cách tăng chiều cao ở tuổi 16 áp dụng ngay để không bị “nấm lùn”