Chưa bao giờ là dễ dàng để đánh bay triệt để những nốt mụn trứng cá, nhất là khi đã qua tuổi dậy thì. Nhưng bạn đừng bi quan, dù khó đến đâu thì vẫn có cách khắc phục, nếu bạn tìm được nguyên nhân gây mụn.
Bạn đang đọc: Mụn ở tuổi trưởng thành: Nguyên nhân và cách khắc phục
Bạn đã qua tuổi dậy thì và nghĩ mình sẽ không bao giờ phiền lòng về mụn trứng cá nữa? Điều này chỉ đúng 80%, bởi một khảo sát cho thấy khoảng 20% người trưởng thành vẫn thỉnh thoảng gặp những vị khách không mời mà đến. Vậy, làm sao để đối phó với những nốt mụn đáng ghét khi đã ở tuổi trưởng thành?
Nguyên nhân gây mụn ở tuổi trưởng thành
Ngoài vi khuẩn và viêm, nội tiết tố là thủ phạm chính gây nên mụn trứng cá. Thường có 3 dạng: mụn trứng cá từ tuổi dậy thì kéo dài đến lúc trưởng thành, mụn trứng cá tuổi dậy thì đã điều trị thành công nhưng sau đó tái phát khi đến tuổi trưởng thành, và mụn khởi phát sau 25 tuổi.
Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì tuy có mức độ nghiêm trọng hơn nhưng dễ khắc phục và ít để lại sẹo. Ngược lại, mụn trứng cá độ tuổi trưởng thành dai dẳng, khó trị dứt và để lại sẹo thâm rất khó phục hồi, khiến da lão hóa sớm.
Đặc trưng của mụn trứng cá độ tuổi này là mụn xuất hiện ở vùng chữ U trên khuôn mặt (hai má ngoài, cằm và dọc theo quai hàm) và thường tái đi tái lại. Mụn thường bùng phát vào thời điểm trước và sau kỳ kinh. Nếu không được điều trị kịp thời, mụn dễ trở nên nặng hơn, phá vỡ cấu trúc da, để lại sẹo thâm và rỗ.
Khắc phục tình trạng da mụn ở tuổi trưởng thành
Dù là nguyên nhân nào, mụn xuất hiện cũng chứng tỏ da bạn đang bị viêm và cần được “đối xử” tốt để nhanh chóng trở về trạng thái khỏe mạnh. Hãy thử khắc phục bằng những cách sau:
Luôn giữ da mặt sạch sẽ, thông thoáng
Làm sạch da bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ, không có hạt cát để lỗ chân lông luôn sạch bụi bẩn và bã nhờn. Rửa ngày 2 lần sáng và tối, 3 lần nếu da bạn đổ dầu nhiều. Lưu ý dùng nước tẩy trang nếu có trang điểm rồi mới sử dụng sữa rửa mặt.
Dùng kem đặc trị mụn
Đối với những trường hợp bị mụn nhẹ, bạn có thể dùng các loại thuốc bôi không kê đơn sau khi làm sạch da. Một số sản phẩm trị mụn có thành phần salicylic acid, benzoyl peroxide, glycolic acid rất công hiệu trong việc kiểm soát bã nhờn, làm trồi nhân mụn và giảm thâm.
Nếu mụn ở mức độ nặng, bạn cần phối hợp điều trị bằng thuốc uống kê đơn của bác sĩ da liễu, kết hợp thuốc bôi đặc trị. Thuốc tránh thai hàng ngày cũng được bác sĩ chỉ định dùng cho những trường hợp mụn trứng cá do nội tiết tố.
Giữ ẩm cho da
Không phải da dầu là không cần giữ ẩm. Ngược lại, làn da bóng nhờn chỉ đổ dầu trên bề mặt còn bên dưới vẫn khô. Nếu không được cung cấp độ ẩm, da càng tiết nhiều dầu hơn, khiến mụn được dịp “đâm chồi”. Cho nên, bạn nhất thiết phải bôi kem dưỡng ẩm không gây mụn hàng ngày, sau khi thoa toner. Nếu bạn thấy khu vực chữ T (cánh mũi, trán) đổ dầu nhiều thì không cần bôi kem ở khu vực đó.
Tẩy da chết và đắp mặt nạ
Không tẩy da chết vì sợ da bị kích ứng chính là sai lầm thường thấy của các cô nàng bị mụn dai dẳng. Tẩy da chết giúp các tế bào da được dịp thay mới mỗi tuần, tăng cường khả năng thẩm thấu của da. Bạn nên thực hiện 2–3 lần/tuần.
Đắp mặt nạ cũng là bước dưỡng da cần thiết. Bạn hãy sử dụng mặt nạ trị mụn giúp loại bỏ các tế bào da chết, giúp lỗ chân lông thông thoáng và làm mờ vết thâm hữu hiệu.
Có chế độ ăn uống hợp lý
Làn da mụn đòi hỏi sự chăm sóc cả bên ngoài lẫn bên trong. Cụ thể, chế độ ăn hàng ngày của bạn cần tránh xa các thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, caffeine, thức uống có cồn. Nên uống đủ nước, ăn nhiều rau củ quả, bổ sung vitamin E và C cũng như men vi sinh (có trong sữa chua, thức uống lên men).
Tìm hiểu thêm: Viêm tai giữa kiêng ăn gì? Bí quyết chăm sóc và chữa viêm tai giữa tại nhà
>>>>>Xem thêm: Mất ngủ khi mang thai nên làm gì? 12 mẹo đưa bạn vào giấc ngủ dễ hơn!
Thường xuyên vận động
Tập thể dục giúp tăng cường lưu thông máu, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, đồng thời giảm viêm da, từ đó tình trạng mụn được khắc phục một cách hiệu quả.
Đẩy lùi stress
Căng thẳng kéo dài làm nội tiết tố thay đổi, đây chính là nguyên nhân gây mụn thầm lặng. Không chỉ làm phát sinh mụn, căng thẳng còn khiến các vấn đề đang tồn tại của da (như mụn, thâm, nám, nếp nhăn) ngày một nghiêm trọng hơn. Do đó, nếu còn sống chung với stress, bạn còn bị mụn dài dài.
Tìm đến các phương pháp thẩm mỹ
Nếu đã thử hết các cách mà tình trạng mụn vẫn không thuyên giảm, bạn hãy tìm đến các phương pháp khác nhằm hỗ trợ và rút ngắn thời gian điều trị. Chẳng hạn như lấy nhân mụn y khoa, dùng ánh sáng sinh học, chiếu tia laser…