Nấm da đầu ở trẻ em là một tình trạng phổ biến, thường xảy ra nhất với trẻ trong độ tuổi đi học. Một số ít trường hợp nấm da đầu cũng có thể ảnh hưởng đến người lớn. Nhìn chung, bệnh nấm da đầu rất dễ lây lan, đặc biệt là trong gia đình hay nhà trẻ.
Bạn đang đọc: Nấm da đầu ở trẻ em – Cách nhận biết, điều trị và phòng ngừa
Trên thực tế, bạn rất dễ nhầm lẫn nấm da đầu với các bệnh ngoài da khác. Hơn nữa, mặc dù nấm da đầu có thể điều trị được nhưng thường mất khá nhiều thời gian và dễ tái nhiễm. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo cho trẻ dùng thuốc đúng hướng dẫn từ bác sĩ và đừng bỏ qua các giải pháp phòng ngừa bệnh.
Nội Dung
Nấm da đầu là bệnh gì?
Nấm da đầu, còn được gọi là bệnh hắc lào ở da đầu (do hắc lào là từ nói về bệnh nhiễm nấm, có thể hắc lào ở đùi/ chân/ da…), còn được gọi là chốc đầu – đây là một bệnh nhiễm trùng da đầu phổ biến ở trẻ em trước tuổi dậy thì (thường dưới 12 tuổi). Bệnh do một số loại nấm thuộc nhóm Dermatophytes gây ra, phổ biến nhất là chi Trichophyton, Microsporum và Epidermophyton.
Nấm da đầu xảy ra khi nấm xâm nhập vào nang tóc và thường là thân tóc. Tuy nhiên, đôi khi vấn đề này cũng có thể ảnh hưởng đến lông mi và lông mày của trẻ. Trong trường hợp nghiêm trọng hoặc điều trị không đúng cách, nấm da đầu có thể bị viêm, từ đó gây rụng tóc và hình thành sẹo vĩnh viễn.
Nấm da đầu ở trẻ em lây lan như thế nào?
Bệnh nấm da đầu rất dễ lây lan, đặc biệt là lây lan nhanh chóng ở trẻ em qua 2 con đường sau:
- Tiếp xúc trực tiếp: Trẻ tiếp xúc trực tiếp với người bị nấm da đầu như ôm ấp, ngủ chung với người bị nấm hoặc tiếp xúc, chạm vào chó, mèo nhiễm nấm
- Tiếp xúc gián tiếp: Nấm da đầu ở trẻ em cũng có thể xảy ra khi trẻ tiếp xúc với lông, tóc bị nhiễm nấm có trên những đồ dùng như lược, mũ hoặc drap, vỏ gối.
Triệu chứng nấm da đầu ở trẻ em
Nấm da đầu có thể ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ da đầu của trẻ. Các triệu chứng có thể nhận biết được bao gồm:
- Xuất hiện các mảng hói trên đầu, có thể kèm theo những chấm đen do phần tóc bị đứt gãy.
- Ngứa da đầu, rụng tóc
- Da đầu nhiễm nấm có thể khô, đóng vảy, bong tróc như gàu
- Một số vùng của da đầu có thể xuất hiện các mảng sưng đỏ, sần sùi hay nặng hơn là xuất hiện những mụn nước lấm tấm lở loét, khi vỡ gây ra mùi khá khó chịu, thậm chí mất một mảng tóc.
- Trẻ có thể bị sốt nhẹ và sưng các hạch bạch huyết sau cổ.
Trong một số trường hợp, nấm da đầu ở trẻ em có thể phát triển một phản ứng nghiêm trọng đối với nhiễm trùng da đầu được gọi là kerion. Theo đó, kerion là một dạng áp xe do nấm gây ra. Tình trạng này có thể khiến vùng da đầu của trẻ sưng đau và có mủ, đôi khi kèm theo sốt. Kerion có thể để lại sẹo trên da đầu và khiến tóc không thể mọc được nữa. Vì vậy, nếu trẻ có những triệu chứng kể trên, bạn nên cho con đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời.
Nấm da đầu ở trẻ được chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa như thế nào?
Tìm hiểu thêm: Ung thư phổi giai đoạn 3 (III)
Phương pháp chẩn đoán nấm da đầu
Trẻ bị nấm da đầu (hắc lào) nên được đi khám càng sớm càng tốt. Trước tiên, bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng rồi quan sát, kiểm tra các khu vực da đầu bị nấm. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cần thu thập mẫu của vùng da bị nhiễm nấm để tiến hành kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Sau đó, bạn có thể nhận lại kết quả sau khoảng 3 tuần.
Điều trị nấm da đầu ở trẻ em
Sau khi chẩn đoán, bác sĩ có thể kê đơn thuốc điều trị nấm da đầu cho trẻ. Đây là bệnh được điều trị bằng thuốc kháng nấm đường uống trong ít nhất 8 tuần. Sau khoảng thời gian này, bạn nên cho trẻ đi tái khám để bác sĩ quyết định xem có nên cho trẻ tiếp tục dùng thuốc hay không.
Griseofulvin là loại kháng nấm phổ biến nhất được dùng để điều trị nấm da đầu (hắc lào da đầu). Ngoài ra, còn có Fluconazole, Itraconazole, Terbinafin cũng được BS lựa chọn sử dụng tùy vào đối tượng bệnh nhân. Khi trẻ dùng kháng nấm, thuốc đi qua máu và vào những nang tóc/ lông đang mọc để ngăn ngừa sự lây lan của nấm sang phần tóc còn lại. Song song với việc dùng thuốc, bạn hãy cho trẻ ăn thực phẩm có chất béo như sữa, phô mai, sữa chua, kem… Những thực phẩm này có thể giúp cơ thể trẻ hấp thụ thuốc. Ngoài ra, bạn cũng cần cắt tóc ngắn gọn gàng, sẽ giúp vệ sinh da đầu dễ dàng hơn, da đầu sạch giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi nấm đồng thời giúp tăng khả năng hấp thu thuốc tốt hơn.
Bác sĩ có thể sẽ cho một loại dầu gội có tính sát khuẩn hoặc chống nấm, ưu tiên dùng các loại sát khuẩn do ít gây tác dụng phụ hơn loại chống nấm và thường chọn loại dịu nhẹ an toàn). Bạn nên cho trẻ gội đầu bằng dầu gội dược liệu 2 lần mỗi tuần.
Nếu con bạn phát triển tình trạng kerion (áp xe do nấm gây ra), bác sĩ cũng có thể kê đơn kháng sinh đường uống cho trẻ. Tuy nhiên, kerion thường để lại sẹo dù cho trẻ đã được điều trị bằng thuốc.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên về việc cho trẻ tạm nghỉ học và tư vấn thời điểm nào có thể quay lại trường để không lây bệnh cho những trẻ khác. Nếu con bạn cần dùng thuốc điều trị lâu hơn 8 tuần, bác sĩ có thể yêu cầu thêm một số xét nghiệm máu để kiểm tra bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc.
Cách phòng ngừa nấm da đầu ở trẻ em
>>>>>Xem thêm: Tinh bột đề kháng: Những thông tin thú vị
- Nấm da đầu ở trẻ em rất dễ tái nhiễm. Vì vậy, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiếp tục dùng loại dầu gội dược liệu có tính sát khuẩn an toàn cho trẻ sau khi đã uống hết thuốc kháng nấm. Cho trẻ gội đầu 2 đến 3 lần mỗi tuần trong khoảng 6 tuần có thể giúp ích cho việc ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm.
- Không nên cho trẻ dùng chung khăn tắm, lược, mũ hoặc vỏ gối với bất kỳ ai, kể cả các thành viên trong gia đình hay bạn bè.
- Giặt các loại khăn, vỏ gối… trẻ dùng bằng nước ấm và xà phòng sau mỗi lần sử dụng và phơi ở nơi khô ráo, sạch sẽ.
- Dạy trẻ rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, sau khi vuốt ve động vật…
- Điều quan trọng nữa trong việc ngăn ngừa nấm da đầu lây lan đó là bạn nên làm sạch lược chải tóc mà trẻ dùng. Bạn có thể pha dung dịch tẩy rửa với nước theo tỷ lệ 1:1 dùng để ngâm lược trong khoảng 1 giờ mỗi ngày. Áp dụng cách này trong 3 ngày đầu tiên kể từ khi cho trẻ uống thuốc và dùng dầu gội dược liệu. Sau 3 ngày, bạn không cần ngâm lược chải tóc theo cách như vậy nữa mà có thể vệ sinh lược như cách bạn làm thường ngày.
- Hạn chế tình trạng gội đầu ban đêm và không lau thật khô, để tình trạng tóc ướt thường xuyên.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc thú cưng, nếu tiếp xúc thì cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ sau đó.
Trên thực tế, nấm da đầu ở trẻ em là tình trạng khá phổ biến. Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần chú ý đến việc phòng ngừa nhiễm nấm. Đây là loại nhiễm nấm da đầu rất dễ lây lan, nếu trẻ nhiễm nấm thì các thành viên khác trong gia đình cũng nên được kiểm tra (nếu cần thiết). Điều quan trọng nữa trong quá trình điều trị là bạn cần đảm bảo tuân theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ để đạt hiệu quả như mong muốn nhé!