Bạn thường xuyên bị toát mồ hôi khi ngủ nhưng không phải do thời tiết nóng bức hay phòng ngủ bí bách? Hãy cẩn thận vì có thể bạn đang mắc phải chứng đổ mồ hôi đêm do bệnh lý!
Bạn đang đọc: Nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm và cách điều trị
Để hiểu rõ về tình trạng ra mồ hôi đêm, Kenshin.vn mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
Nội Dung
Đổ mồ hôi đêm là gì?
Đổ mồ hôi đêm là các đợt ra mồ hôi nhiều, lặp đi lặp lại làm ướt sũng quần áo hoặc giường nệm và có liên quan đến một vấn đề sức khỏe nhất định.
Đôi khi, bạn có thể bị thức giấc do đổ mồ hôi quá mức, đặc biệt nếu đắp quá nhiều chăn hoặc phòng ngủ quá nóng. Mặc dù khó chịu, những cơn đổ mồ hôi này không gọi là đổ mồ hôi đêm và thường không phải là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe.
Dấu hiệu và triệu chứng của đổ mồ hôi đêm
Đổ mồ hôi vào ban đêm là hiện tượng bình thường nếu phòng hoặc giường ngủ nóng quá mức. Tuy nhiên, thuật ngữ “đổ mồ hôi đêm” trong y học lại chỉ được dùng để mô tả tình trạng đổ mồ hôi nhiều làm ướt hết quần áo và giường nệm, mặc dù nơi bạn ngủ mát mẻ.
Tùy theo nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm, các triệu chứng khác có thể đi kèm cùng đổ mồ hôi bao gồm:
- Sốt, run và ớn lạnh
- Sụt cân
- Ho
- Tiêu chảy
- Một số tình trạng nhiễm trùng và ung thư.
Đổ mồ hôi đêm do tiền mãn kinh thường kèm theo khô âm đạo, bốc hỏa vào ban ngày và thay đổi tâm trạng.
Đổ mồ hôi đêm do tác dụng phụ của thuốc thường đi cùng với các tác dụng phụ khác của loại thuốc đó. Triệu chứng cụ thể sẽ tùy vào loại thuốc mà bạn sử dụng.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến khám bác sĩ nếu tình trạng toát mồ hôi đêm khi ngủ:
- Xảy ra thường xuyên
- Làm gián đoạn giấc ngủ hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày khác
- Kèm theo sốt, sụt cân, đau khu trú, ho, tiêu chảy hoặc các triệu chứng bất thường khác
- Xuất hiện sau khi các triệu chứng mãn kinh đã hết trong một thời gian dài.
Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau, vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.
Nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm
Đổ mồ hôi đêm là tác dụng phụ thường gặp của nhiều loại thuốc như:
- Các thuốc chống trầm cảm
- Các thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường
- Các thuốc dùng trong liệu pháp hormone để điều trị một số bệnh ung thư.
Đêm ngủ ra mồ hôi là bệnh gì? Các tình trạng sức khỏe có thể gây ra đổ mồ hôi đêm:
- Rối loạn lo âu
- Rối loạn tự miễn dịch
- Bệnh Brucellosis (một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn)
- Hội chứng carcinoid
- Chứng nghiện
- Viêm nội tâm mạc
- HIV/AIDS
- U lympho Hodgkin (bệnh Hodgkin)
- Cường giáp
- Bệnh bạch cầu
- Xơ tủy nguyên phát
- U lympho không Hodgkin
- Viêm xương tủy
- U tủy thượng thận (khối u tuyến thượng thận hiếm gặp)
- Áp xe sinh mủ (khoang chứa đầy mủ do nhiễm trùng)
- Rối loạn giấc ngủ (như ngưng thở khi ngủ tắc nghẽn)
- Đột quỵ
- Bệnh rỗng tủy sống
- Bệnh tuyến giáp
- Lao.
Đổ mồ hôi đêm cũng rất phổ biến ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Bên cạnh đó, tiêu thụ quá nhiều caffein, rượu, thuốc lá cũng có thể khiến bạn bị toát mồ hôi vào ban đêm.
Chẩn đoán & điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán đổ mồ hôi đêm?
Tìm hiểu thêm: Dáng đứng xấu khiến bạn trông kém hấp dẫn, làm sao đây?
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đổ mồ hôi đêm, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe và xem xét bệnh sử của bạn. Sau đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện thêm một số xét nghiệm chi tiết hơn. Những xét nghiệm này có thể bao gồm xét nghiệm máu, đo nồng độ hormone kích thích tuyến giáp (TSH), xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR), xét nghiệm HIV hoặc chụp X-quang.
Những phương pháp nào dùng để điều trị đổ mồ hôi đêm?
Việc điều trị đổ mồ hôi đêm phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó.
Nếu bạn bị toát mồ hôi vào ban đêm do mãn kinh, bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp hormone để giúp kiểm soát các cơn bốc hỏa và các triệu chứng mãn kinh khác.
Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân khiến bạn bị đổ mồ hôi ban đêm, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc các loại thuốc khác để giúp điều trị nhiễm trùng.
Nếu đổ mồ hôi là do ung thư, bác sĩ có thể đề nghị các phương pháp điều trị như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật.
Nếu đổ mồ hôi ban đêm có liên quan đến các loại thuốc bạn đang dùng, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng thuốc hoặc đề nghị một loại thuốc thay thế.
Nếu việc uống rượu, uống caffein hoặc sử dụng ma túy là nguyên nhân dẫn đến chứng đổ mồ hôi ban đêm, bác sĩ có thể khuyên bạn hạn chế hoặc tránh sử dụng những chất này. Trong một số trường hợp, họ có thể kê đơn thuốc hoặc giới thiệu các liệu pháp thích hợp để giúp bạn cai nghiện.
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý đổ mồ hôi đêm?
>>>>>Xem thêm: Hội chứng Pancoast
Sau đây là một số phương pháp có thể giúp bạn giảm thiểu tần suất và mức độ nghiêm trọng của chứng đổ mồ hôi đêm, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể và chất lượng giấc ngủ của mình:
- Hạn chế uống rượu và caffein
- Bỏ hút thuốc lá
- Giữ phòng ngủ ở nhiệt độ dễ chịu
- Mặc quần áo rộng rãi và làm từ chất liệu thoáng khí
- Không tập thể dục, ăn thức ăn cay hoặc uống đồ uống ấm quá sát giờ đi ngủ
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh
- Sử dụng các kỹ thuật thư giãn trước khi ngủ: Tham khảo 9 bài tập thở giúp bạn ngủ ngon, giải tỏa stress hiệu quả
Đổ mồ hôi đêm gây nhiều tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng. Bạn cần liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn và chỉ định điều trị phù hợp.