Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường glucose trong máu thấp hơn mức tiêu chuẩn để đảm bảo duy trì các chức năng bình thường trong cơ thể. Triệu chứng thường là vã mồ hôi, buồn nôn, lo lắng, run rẩy, đánh trống ngực, nặng hơn có thể ngất, hôn mê đặc biệt ở người lớn tuổi. Nguyên nhân hạ đường huyết thường liên quan đến thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở người bình thường.
Bạn đang đọc: Nguyên nhân hạ đường huyết là do đâu?
Vậy, người tiểu đường hay người bình thường tại sao hay bị hạ đường huyết? Cùng Kenshin.vn tìm hiểu rõ hơn trong bài viết ngay sau đây!
Nội Dung
Nguyên nhân hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường
Tại sao hay bị hạ đường huyết thì có nhiều lý do. Ở bệnh nhân tiểu đường, nguyên nhân hạ đường huyết phổ biến nhất là tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Sau khi ăn, cơ thể sẽ phân hủy carbohydrate trong thức ăn thành glucose lưu hành trong máu. Glucose này nhờ insulin (một hormone do tuyến tụy sản xuất) để đi vào tế bào và chuyển hóa thành năng lượng.
Đối với người bệnh tiểu đường, cơ thể không tạo ra insulin (tiểu đường tuýp 1) hoặc insulin không có tác dụng (tiểu đường tuýp 2). Quá trình tiêu thụ glucose để tạo năng lượng bị giảm đi. Kết quả là glucose tích tụ trong máu và làm lượng đường trong máu tăng cao. Để điều trị, bệnh nhân tiểu đường phải cần tiêm insulin từ bên ngoài vào và/hoặc uống các loại thuốc trị tiểu đường khác để giữ đường huyết ở ngưỡng mục tiêu. Tuy nhiên, việc dùng quá liều insulin hay thuốc trị tiểu đường hơn mức cần thiết sẽ gây hạ đường huyết.
Ngoài ra, nguyên nhân hạ đường huyết ở người bệnh tiểu đường cũng có thể là do:
- Tiêm nhầm insulin vào cơ thay vì vào mô mỡ dưới da
- Không tính toán lượng insulin cần dùng và carbohydrate nạp vào cơ thể một cách chính xác (ví dụ như tiêm insulin trước bữa ăn quá xa)
- Ăn quá ít
- Thường xuyên bỏ bữa
- Thực đơn thiếu cân đối, thực phẩm kém đa dạng
- Tập thể dục hoặc vận động quá sức
- Uống rượu mà không ăn.
Nguyên nhân hạ đường huyết ở người bình thường
Người bình thường ít bị tụt đường huyết hơn là người tiểu đường. Có hai loại hạ đường huyết chính không liên quan đến bệnh tiểu đường bao gồm:
Hạ đường huyết phản ứng (hạ đường huyết sau bữa ăn)
Hạ đường huyết phản ứng là tình trạng đường huyết thấp sau khi bạn ăn một số bữa nhất định, khoảng 2 đến 4 giờ. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân hạ đường huyết trong trường hợp này.
Tuy nhiên, tình trạng này xảy ra do lượng đường trong máu tăng đột ngột và sau đó giảm sau khi ăn một số loại thực phẩm, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa carbohydrate đơn giản như gạo trắng, khoai tây, bánh mì trắng, bánh ngọt và bánh ngọt.
Loại hạ đường huyết này cũng có thể xảy ra ở những người từng phẫu thuật can thiệp vào chức năng thông thường của dạ dày, chẳng hạn như cắt dạ dày. Cơ thể sẽ hấp thụ đường rất nhanh, do đó, kích thích sản xuất insulin dư thừa và gây hạ đường huyết.
Cơ thể bạn thường tự điều chỉnh tình trạng hạ đường huyết phản ứng. Dù vậy, để triệu chứng biến mất nhanh hơn, bạn nên ăn uống một món có chứa tinh bột hoặc đường như một thanh kẹo ngọt, một ly trà đường,…
Tìm hiểu thêm: Những điều cần thận trọng khi sử dụng bắp cải
Hạ đường huyết lúc đói
Đối với phần lớn người khỏe mạnh, việc nhịn ăn trong thời gian dài không dẫn đến hạ đường huyết. Điều này là do cơ thể bạn sử dụng hormone glucagon (cũng do tuyến tụy sản xuất) để ly giải glycogen (dạng glucose dự trữ trong gan và cơ), giải phóng glucose trở lại máu để đường huyết không giảm.
Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải tình trạng này, một số nguyên nhân gây hạ đường huyết lúc đói có thể là:
- Uống rượu quá mức. Uống nhiều rượu mà không ăn sẽ ngăn gan giải phóng glucose từ kho dự trữ glycogen vào máu. Điều này ngăn cản cơ chế tự điều chỉnh lượng đường trong máu của cơ thể.
- Một số bệnh lý nghiêm trọng. Các bệnh gan nặng như viêm gan hoặc xơ gan giai đoạn cuối, nhiễm trùng huyết nặng, suy thận và bệnh tim tiến triển có thể là nguyên nhân hạ đường huyết. Điều này là do quá trình sử dụng glucose dự trữ để tạo năng lượng nhanh hơn quá trình nạp glucose mới từ thức ăn. Đến một lúc nào đó, lượng glucose dự trữ không còn đủ nữa sẽ dẫn tới đường huyết thấp.
- Suy tuyến thượng thận. Tuyến thượng thận là nơi sản xuất hormone cortisol. Hormone này làm tăng lượng đường trong máu. Ở người suy tuyến thượng thận, nồng độ cortisol giảm dẫn đến các đợt hạ đường huyết.
- U tụy nội tiết Insulinoma. Đây là dạng u tế bào tiết insulin, hiếm gặp. Khối u khiến tuyến tụy sản xuất thừa insulin. Từ đó, dẫn đến các đợt hạ đường huyết mà phổ biến nhất là lúc đói.
- Hạ đường huyết do khối u tế bào không phải đảo tụy (NICTH). Đây là một hội chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, trong đó khối u giải phóng quá mức yếu tố tăng trưởng giống insulin 2 (IGF-2). Đây là loại hormone có tác dụng tương tự như insulin. IGF-2 dư thừa cũng gây hạ đường huyết. Nhiều loại khối, cả u lành tính và ác tính (ung thư), đều có thể gây ra tình trạng này.
- Thuốc. Việc vô tình uống nhầm thuốc trị tiểu đường của người khác có thể là nguyên nhân hạ đường huyết. Ngoài ra, một số thuốc khác không liên quan đến bệnh tiểu đường cũng có thể gây hạ đường huyết, đặc biệt ở trẻ em hoặc người bị suy thận, như thuốc chẹn beta và một số loại thuốc kháng sinh (điển hình là quinine điều trị bệnh sốt rét).
- Suy dinh dưỡng kéo dài. Hạ đường huyết sẽ xảy ra do suy dinh dưỡng kéo dài. Cơ thể sử dụng hết glucose dự trữ, trong khi ít được nạp thêm glucose mới từ thức ăn. Chứng rối loạn ăn uống (hay chứng chán ăn tâm thần) là một ví dụ về tình trạng gây suy dinh dưỡng kéo dài và dẫn đến hạ đường huyết.
- Thiếu hụt nội tiết tố (hormone). Một số rối loạn khối u ở tuyến thượng thận và tuyến yên làm thiếu hụt các hormone điều chỉnh quá trình sản xuất hoặc chuyển hóa glucose. Trẻ có thể bị hạ đường huyết nếu có quá ít hormone tăng trưởng.
Hiểu rõ nguyên nhân hạ đường huyết để phòng ngừa
Thật không may, chúng ta khó phòng ngừa hoàn toàn tụt đường huyết khi mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, bạn có thể điều chỉnh kế hoạch điều trị để cố gắng giảm số lần hạ đường huyết gặp phải.
>>>>>Xem thêm: Cách làm tóc nhanh khô không cần máy sấy tiện lợi, siêu dễ
Để giúp ngăn ngừa nguyên nhân hạ đường huyết do tiểu đường, bệnh nhân nên:
- Đo lượng thuốc cẩn thận và uống thuốc đúng giờ. Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không được tự ý thay đổi liều lượng hay giờ dùng thuốc.
- Điều chỉnh thuốc hoặc ăn thêm đồ ăn nhẹ nếu tăng cường hoạt động thể chất. Việc điều chỉnh phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm lượng đường trong máu, loại hình và thời gian hoạt động thể chất cũng như loại thuốc bạn dùng. Nếu bạn dùng thuốc mới và muốn thay đổi lịch ăn uống hoặc thêm bài tập mới, hãy nói chuyện với bác sĩ để thực hiện những điều chỉnh phù hợp.
- Theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Tùy thuộc vào kế hoạch điều trị, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tự kiểm tra lượng đường trong máu vài lần một tuần hoặc nhiều lần trong ngày. Sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM) hoặc kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, kể cả trước và sau bữa ăn, trước và sau khi tập thể dục hay trước khi đi ngủ. Theo dõi cẩn thận là cách duy nhất để đảm bảo rằng lượng đường trong máu không xuống quá thấp.
- Tìm hiểu các dấu hiệu và triệu chứng khi lượng đường trong máu thấp. Điều này sẽ giúp bạn nhận biết sớm và điều trị tình trạng hạ đường huyết trước khi nó xuống quá thấp.
- Ăn đủ bữa và đúng giờ. Nếu bạn dùng insulin hoặc thuốc trị tiểu đường đường uống, hãy duy trì thói quen ăn uống đủ bữa và đúng giờ để hạn chế hạ đường huyết.
- Ăn một bữa ăn nếu uống rượu. Uống rượu khi bụng đói có thể gây hạ đường huyết. Rượu cũng gây hạ đường huyết muộn vài giờ sau đó khiến việc có bữa ăn khi uống rượu và theo dõi lượng đường trong máu càng trở nên quan trọng hơn.
- Hãy đảm bảo luôn mang theo carbohydrate tác dụng nhanh bên mình. Hãy luôn mang theo nước trái cây, kẹo cứng hoặc viên glucose để có thể dùng ngay khi bị hạ đường huyết.
Đối với người không mắc bệnh tiểu đường, ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày là biện pháp tạm thời giúp ngăn ngừa lượng đường trong máu xuống quá thấp. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyên dùng như một chiến lược điều trị dài hạn. Hãy thăm khám sớm với bác sĩ để xác định và điều trị nguyên nhân hạ đường huyết.
Hạ đường huyết nếu không được điều trị kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng. Bạn càng biết và hiểu rõ về nguyên nhân hạ đường huyết thì bạn càng dễ dàng điều chỉnh kế hoạch điều trị của mình sao cho phù hợp nhất.