Bạn đang đọc: Nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột
Nội Dung
Định nghĩa
Bệnh nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột là gì?
Nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột là hiện tượng nhiễm trùng ruột già và đôi khi là nhiễm trùng gan. Ký sinh trùng gây bệnh là Entamoeba histolytica. Dù trong cơ thể chúng ta có đến 8 loại amip ký sinh nhưng chỉ có amip Entamoeba histolytica là nguyên nhân gây bệnh.
Những ai thường bị nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột?
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên thế giới có đến 10% dân số mắc bệnh nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột. Ở Việt Nam, tỷ lệ này lên đến 25%. Ngoài ra, nhiễm amip entamoeba histolytica còn phổ biến ở vùng cận nhiệt đới, đặc biệt là những nơi đông dân cư hoặc có điều kiện sống không hợp vệ sinh. Bệnh xuất hiện ở cả nam giới và nữ giới ở bất kỳ lứa tuổi nào. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những triệu chứng và dấu hiệu nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột là gì?
Các triệu chứng nhiễm amip entamoeba histolytica thường xuất hiện sau 2 – 4 tuần nhiễm bệnh, hoặc có thể sau vài tháng mới phát hiện được bệnh.
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm amip bao gồm:
- Tiêu chảy (10 đến 12 lần mỗi ngày);
- Tiêu chảy ra máu;
- Đau thắt dạ dày;
- Đầy hơi;
- Các hiện tượng phổ biến như sốt, đau lưng, và mệt mỏi.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu bạn có một trong các triệu chứng sau:
- Sốt cao;
- Tiêu chảy ra máu;
- Đau dạ dày;
- Đau phần trên bên phải dạ dày;
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột là gì?
Bệnh nhiễm amip đường ruột xảy ra bởi một ký sinh trùng mang tên Entamoeba histolytica. Ký sinh trùng này là nguyên nhân chính gây tiêu chảy, làm tổn thương đến dạ dày và ruột.
Ký sinh trùng nhiễm vào cơ thể do bạn uống nước không hợp vệ sinh hoặc ăn thực phẩm bị ô nhiễm. Ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác cũng có nguy cơ lây truyền ký sinh trùng.
Bệnh amip đường ruột còn có thể truyền nhiễm từ việc quan hệ qua hậu môn với người bị nhiễm bệnh.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột?
Có nhiều yếu tố dẫn đến bệnh nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột, phổ biến hơn cả là:
- Quan hệ đồng tính nam.
- Người có hệ miễn dịch yếu hoặc đang mắc phải các bệnh mãn tính khác.
Tham khảo bài viết “6 cách giúp bạn phòng bệnh tiêu hóa khi đi du lịch‘ để trang bị cho mình những mẹo nhỏ cũng như vật dụng mỗi khi đi du lịch để ngăn ngừa bệnh tiêu hóa.
Điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột?
Phương pháp điều trị nhiễm amip là uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ. Sau điều trị, bác sĩ sẽ kiểm tra mẫu phân của bạn để đảm bảo ký sinh trùng đã được thải khỏi cơ thể.
Các loại thuốc có thể dược kê đơn bao gồm Metronidazole và Iodoquinol. Tuy nhiên, các thuốc này có các tác dụng phụ như buồn nôn, nhức đầu, gây khô miệng, hoặc nước tiểu bị sẫm màu.
Nếu sử dụng thuốc Metronidazole và Iodoquinol, bạn không được uống các đồ uống có cồn trong quá trình điều trị.
Bạn phải uống thật nhiều nước để ngăn chặn việc mất nước. Trong một vài trường hợp nghiêm trọng, bạn có thể cần đến việc truyền nước.
Nhiễm amip đường ruột sẽ khỏi trong vòng hai tuần. Nếu amip di căn đến cơ quan khác, bạn vẫn có khả năng hồi phục hoàn toàn nếu được điều trị kịp thời và đúng cách.
Tuy vậy, nếu không có sự can thiệp của bác sĩ, bệnh nhân nhiễm Amip có nguy cơ bị tử vong. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), mỗi năm có đến 70,000 người chết vì nhiễm amip.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán nhiễm amip bằng cách kiểm tra bệnh sử và khám trực tiếp cho bạn. Đồng thời, bác sĩ cần ít nhất 3 mẫu phân để kiểm tra ký sinh trùng thông qua kính hiển vi.
Bác sĩ có thể dùng đến phương pháp soi đại tràng Sigma hoặc nội soi đại tràng để lấy mẫu ruột khi cảm thấy các kết quả các xét nghiệm khác không chắc chắn.
Phong cách sống và thói quen sinh hoạt
Những thói quen sinh hoạt nào giúp người bệnh hạn chế diễn tiến của nhiễm amip entamoeba histolytica đường ruột?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng nhiễm amip entamoeba histolytica của mình nếu bạn:
- Uống thuốc đúng theo đơn đã kê và hợp tác với bác sĩ trong quá trình điều trị.
- Uống nhiều nước để tránh mất nước do tiêu chảy.
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước ấm để tránh bị tái nhiễm ký sinh trùng.
- Đảm bảo tất cả thực phẩm đều được nấu chín trước khi ăn.
- Quan hệ tình dục an toàn (dùng bao cao su).
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
>>>>>Xem thêm: 6 tác hại “ẩn mình” khi bạn sơn móng tay thường xuyên