Mọi người thường cho rằng bản thân hiểu rõ về viêm kết mạc mắt vì đây là bệnh vô cùng phổ biến. Tuy nhiên, họ không biết rằng một số thông tin họ tiếp nhận có thể không chính xác.
Bạn đang đọc: Những quan niệm sai lầm về viêm kết mạc mắt
Viêm kết mạc mắt (hay còn được biết đến qua tên gọi hiện tượng đau mắt đỏ) là một vấn đề nhãn khoa có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Các chuyên gia nhãn khoa phân chia hiện tượng đau mắt đỏ thành hai nhóm nhỏ dựa trên nguyên nhân gây bệnh là nhiễm virus hoặc nhiễm khuẩn. Việc xác định tình trạng viêm kết mạc của bạn thuộc nhóm nào góp phần thúc đẩy quá trình điều trị diễn ra nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Vì đau mắt đỏ quá phổ biến, nên nhiều người cho rằng bản thân đã biết rõ bệnh lý này. Tuy nhiên, không ít người lại có quan niệm sai lầm về viêm kết mạc mắt.
Qua bài viết này, Kenshin.vn sẽ giới thiệu 8 quan niệm sai lầm phổ biến về hiện tượng đau mắt đỏ mà mọi người hay truyền tai nhau và sự thật đằng sau chúng.
Nội Dung
- 1 Quan niệm 1: Viêm kết mạc mắt chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ
- 2 Quan niệm 2: Đau mắt đỏ sẽ không xảy ra nếu bạn không đưa tay dụi mắt
- 3 Quan niệm 3: Đau mắt đỏ dễ lây nhiễm
- 4 Quan niệm 4: Trẻ có khả năng bị viêm kết mạc mắt bẩm sinh
- 5 Quan niệm 5: Viêm kết mạc sẽ tự khỏi mà không cần điều trị
- 6 Quan niệm 6: Mắt bị đỏ nghĩa là bạn bị viêm kết mạc
- 7 Quan niệm 7: Đau mắt đỏ không có biện pháp điều trị
- 8 Quan niệm 8: Viêm kết mạc không có khả năng tái phát
Quan niệm 1: Viêm kết mạc mắt chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ
Thực tế, đau mắt đỏ phổ biến nhất ở trẻ em, nhưng không đồng nghĩa với việc người lớn không mắc bệnh này. Số lượng người Việt Nam, bao gồm cả trẻ nhỏ và người lớn, bị viêm kết mạc mắt mỗi năm ngày một tăng vì nhiều nguyên nhân.
Viêm kết mạc thường phát sinh do nhiễm trùng. Nhiều người, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thói quen đưa tay lên mắt để dụi mà không chú ý việc vệ sinh tay sạch sẽ trước đó. Bên cạnh đó, đau mắt đỏ có tính truyền nhiễm cao, tức là nó dễ dàng lây lan trong môi trường bạn đang ở hoặc sinh hoạt, ví dụ như khu vực gần nhà, trường học hay công ty.
Quan niệm 2: Đau mắt đỏ sẽ không xảy ra nếu bạn không đưa tay dụi mắt
Sự tiếp xúc giữa mắt và tay, đặc biệt khi tay chưa được rửa sạch, chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc mắt. Mắt có thể bị nhiễm trùng nếu tiếp xúc với bất kỳ vật thể bị nhiễm khuẩn nào, chẳng hạn như:
- Kính áp tròng, đồ trang điểm hoặc kem dưỡng da không được bảo quản đúng cách
- Đầu của thuốc nhỏ mắt bị nhiễm khuẩn
Ngoài ra, đau mắt đỏ do virus gây ra có khả năng lây lan trong không khí qua việc tiếp xúc với người bị nhiễm trùng đường hô hấp đang ho hay hắt hơi. Thêm vào đó, một nguyên nhân gây viêm kết mạc không phổ biến lắm là phản ứng của cơ thể với các vật thể gây dị ứng như bụi, lông chó mèo hoặc các hóa chất dung môi.
Quan niệm 3: Đau mắt đỏ dễ lây nhiễm
Viêm kết mạc có đặc tính lây nhiễm vì tác nhân gây bệnh là vi khuẩn hoặc virus. Tuy nhiên, không phải trường hợp đau mắt đỏ nào cũng bắt nguồn từ nhiễm trùng mắt. Một số trường hợp viêm kết mạc mắt không phải nhiễm khuẩn bao gồm:
- Dị ứng: chỉ xảy ra theo mùa và thường phát triển ở những người nhạy cảm với môi trường xung quanh
- Hóa học: xảy ra với những người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, dung môi hoặc clo trong hồ bơi
Quan niệm 4: Trẻ có khả năng bị viêm kết mạc mắt bẩm sinh
Trường hợp trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ không phải quá hiếm, nhưng nguyên nhân không phải do di truyền mà là:
- Ống lệ bị tắc
- Mắt bị kích ứng
- Nhiễm trùng mắt
- Vi khuẩn hoặc virus lây sang trẻ từ mẹ trong lúc sinh
Hai trường hợp viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh phổ biến nhất xảy ra khi mẹ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hoặc lậu. Trong trường hợp này, trẻ có nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng ở các bộ phận khác bên cạnh nhãn cầu, chẳng hạn như phổi và tủy sống. Trẻ sơ sinh bị đau mắt đỏ thường được điều trị bằng kháng sinh.
Tìm hiểu thêm: Trẻ đi tiểu nhiều lần trong ngày có đáng lo? Do sinh lý, tâm lý hay bệnh lý?
Quan niệm 5: Viêm kết mạc sẽ tự khỏi mà không cần điều trị
Phần lớn những trường hợp đau mắt đỏ đều có thể tự lành mà không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, một số trường hợp có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) khuyến nghị rằng bạn nên đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia nha khoa nếu bạn bắt gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Mắt đau rát
- Tầm nhìn bị mờ
- Hệ miễn dịch suy yếu (thường xuyên cảm lạnh, viêm họng…)
- Mắt có biểu hiện bất thường
Nếu các triệu chứng trên kéo dài hoặc trở nặng, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để có thể điều trị kịp thời.
Quan niệm 6: Mắt bị đỏ nghĩa là bạn bị viêm kết mạc
Tròng trắng của mắt chuyển đỏ là dấu hiệu đặc trưng của viêm kết mạc, nhưng đồng thời nó cũng là biểu hiện của một số vấn đề liên quan đến mắt khác. Phản ứng dị ứng, hội chứng khô mắt hay các chất kích thích đều là yếu tố gây nên sự chuyển màu này. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng mắt chuyển đỏ còn báo hiệu bạn có nguy cơ đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như tăng nhãn áp, viêm củng mạc, viêm màng bồ đào….
Quan niệm 7: Đau mắt đỏ không có biện pháp điều trị
Hầu hết hiện tượng đau mắt đỏ thường nhẹ và có thể tự lành. Tùy thuộc vào loại viêm kết mạc mà bạn mắc phải, một số phương pháp điều trị có khả năng thúc đẩy quá trình hồi phục bằng cách giảm thiểu triệu chứng xảy ra. Ví dụ như:
- Thuốc nhỏ mắt (nước mắt nhân tạo) có công dụng cấp ẩm, điều trị khô mắt
- Nhúng miếng vải hoặc bông tiệt trùng vào nước ấm, vắt khô rồi áp lên mí mắt sẽ làm dịu kích ứng, đồng thời còn có tác dụng giảm viêm
- Thuốc điều trị dị ứng hỗ trợ cải thiện triệu chứng trong trường hợp bạn bị đau mắt đỏ do dị ứng
Ngoài ra, nếu tình trạng đau mắt đỏ đi kèm với đau mắt, thị lực có chỗ bất thường hoặc triệu chứng trở nặng, bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt để nhận điều trị kịp thời.
Quan niệm 8: Viêm kết mạc không có khả năng tái phát
Bạn đã từng bị viêm kết mạc mắt không có nghĩa sẽ không bao giờ phải đối mặt với bệnh lý này trong tương lai, bởi vì vi khuẩn hay virus gây đau mắt đỏ đều có khả năng truyền nhiễm. Chúng có thể xâm nhập vào cơ thể bất kỳ lúc nào nếu bạn không phòng ngừa.
Theo các nhà nghiên cứu, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn viêm kết mạc mắt phát sinh như:
- Tránh dụi mắt
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên
- Không chia sẻ đồ dùng cá nhân (khăn tắm, khăn mặt, đồ trang điểm…) với người khác
- Bảo quản và vệ sinh kính mắt cũng như kính áp tròng đúng cách
>>>>>Xem thêm: Bố mẹ có nên cho trẻ 2 tuổi xem ti vi?
Đối với trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh tái phát là hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Bạn nên nhớ rằng viêm kết mạc có khả năng lây lan từ mắt này sang mắt kia, nên hãy tránh dùng khăn hoặc bông tiệt trùng đã chạm vào mắt bị nhiễm trùng tiếp xúc với bên mắt khỏe mạnh.
Bạn có thể muốn tìm hiểu: Giúp bạn bỏ túi một số biện pháp chữa viêm kết mạc.