Xét nghiệm prolactin là một phương pháp quan trọng giúp đánh giá và phát hiện các bất thường của cơ thể, đặc biệt là các bệnh lý liên quan đến chức năng sinh sản của cả nam và nữ. Tuy nhiên, không ít người vẫn còn băn khoăn rằng khi nào thì cần làm xét nghiệm prolactin, quy trình thực hiện như thế nào? Và đặc biệt là kết quả xét nghiệm có thể nói lên điều gì?
Bạn đang đọc: Những thông tin hữu ích về xét nghiệm prolactin
Prolactin (viết tắt là PRL) là một hormone được sản xuất bởi thùy trước của tuyến yên. Hormone này thực hiện nhiều chức năng khác nhau trên các tế bào của cơ thể, trong đó vai trò chính là thúc đẩy sự phát triển của tuyến vú và kích thích quá trình tiết ra sữa ở phụ nữ sau khi sinh. Việc sản xuất prolactin được điều hòa và ức chế bởi dopamine, một hormone được tiết ra ở vùng dưới đồi.
Nội Dung
Xét nghiệm prolactin là gì?
Xét nghiệm prolactin là một phương pháp định lượng, nhằm xác định nồng độ của hormone prolactin có trong máu. Bình thường, cơ thể nam giới và phụ nữ không mang thai sẽ có một lượng nhỏ prolactin trong máu. Lượng hormone này sẽ tăng lên khi phụ nữ đang mang thai và sau khi sinh trong quá trình cho con bú. Ở những phụ nữ không cho con bú, nồng độ prolactin sẽ nhanh chóng trở lại bình thường ngay sau khi họ sinh con.
Chỉ số prolactin có thể dao động trong suốt cả ngày, có xu hướng tăng dần trong khi ngủ và đạt đỉnh cao nhất ngay sau khi thức dậy. Mức độ prolactin cũng tăng cao hơn nếu cơ thể đang căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần. Để có kết quả chính xác nhất thì thời điểm lý tưởng để lấy mẫu máu làm xét nghiệm là vào buổi sáng, khoảng 3 – 4 giờ sau khi thức dậy.
Xét nghiệm prolactin thường được sử dụng để chẩn đoán các vấn đề liên quan đến thùy trước tuyến yên như là: phát hiện, theo dõi và điều trị u tuyến yên. Ngoài ra, kết quả xét nghiệm cũng giúp hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý liên quan đến hệ sinh dục ở cả nam và nữ. Trường hợp kết quả cho chỉ số prolactin vượt ngoài giới hạn bình thường thì có khả năng cơ thể bạn đang có vấn đề bất thường.
Khi nào cần làm xét nghiệm prolactin?
Bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm để kiểm tra mức prolactin trong máu ở các trường hợp sau:
- Có các biểu hiện của u tuyến yên như: thường xuyên đau đầu mà không rõ nguyên nhân, thị lực suy giảm
- Theo dõi điều trị ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán u tuyến yên
- Căng tức ngực và có cảm giác đau
- Phụ nữ không mang thai và cho con bú nhưng vẫn có dấu hiệu tiết sữa
- Vô sinh, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản
- Có dấu hiệu suy giáp ở người sau mãn kinh, bao gồm: mệt mỏi, tăng cân, đau cơ, táo bón, không chịu được nhiệt độ lạnh
- Vú to, chảy sữa ở nam giới
- Kiểm tra chức năng tinh hoàn
- Nam giới có triệu chứng giảm ham muốn, rối loạn cương dương hoặc có mức testosterone thấp hơn bình thường
- Chỉ định đồng thời với các xét nghiệm hormone khác, chẳng hạn như hormone tăng trưởng
Ngoài ra, các trường hợp đang sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến sự sản xuất hormone dopamine cũng cần làm xét nghiệm prolactin. Do dopamin làm ức chế bài tiết prolactin, nếu nồng độ dopamine giảm xuống thấp sẽ khiến cho mức prolactin tăng cao ở bệnh nhân.
Quy trình làm xét nghiệm prolactin
Tìm hiểu thêm: 6 nguyên nhân khiến răng sứ bị mẻ và cách khắc phục
Nồng độ prolactin đạt mức cao nhất vào buổi sáng và hormone này có thời gian bán hủy từ 20 – 30 phút, chính vì vậy thời gian thích hợp để làm xét nghiệm là vào khoảng 3 giờ sau khi thức dậy. Thông thường là từ 9 đến 10 giờ sáng.
Để có kết quả chính xác nhất, bạn không nên ăn uống (chỉ được uống nước lọc) trong vòng 8 tiếng trước khi lấy máu. Cần giữ tâm trạng thoải mái, hạn chế căng thẳng hoặc tập thể dục gắng sức ngay trước khi xét nghiệm, vì có thể làm tăng mức độ prolactin. Một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh trong khoảng 30 phút trước khi tiến hành. Bên cạnh đó, việc kích thích ngực cũng có thể làm tăng lượng prolactin vì thế nên tránh thực hiện các hoạt động có thể làm kích thích ngực trong 24 giờ trước khi xét nghiệm prolactin.
Quy trình lấy máu để làm xét nghiệm được thực hiện rất đơn giản và nhanh chóng, chỉ mất khoảng thời gian 5 phút. Các kỹ thuật viên lấy mẫu máu từ tĩnh mạch trên cánh tay của bạn bằng một cây kim nhỏ, sau đó mẫu máu sẽ được bảo quản trong ống nghiệm chuyên biệt để mang đi làm xét nghiệm. Sau khi lấy máu, bạn có thể cảm thấy hơi châm chích, đau nhẹ hoặc bị bầm tại vị trí kim tiêm được đưa vào. Nhưng đừng quá lo lắng, vì hầu hết các biểu hiện đó sẽ nhanh chóng biết mất.
Một điều quan trọng cần lưu ý nữa là một số loại thuốc cũng có thể làm thay đổi lượng hormone trong cơ thể, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh huyết áp, thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc tránh thai hoặc các thuốc có chứa chất gây nghiện,… Vì vậy nếu bạn đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, cũng nên thông báo và xin ý kiến từ bác sĩ trước khi thực hiện xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm prolactin
Bình thường, chỉ số prolactin trong máu ở nam giới là từ 2-18ng/mL. Đối với phụ nữ không mang thai và cho con bú sẽ rơi vào khoảng 2-29ng/mL. Còn riêng ở phụ nữ mang thai, chỉ số này có thể lên đến 10-209ng/mL.
Nếu kết quả xét nghiệm của bạn cho giá trị khác thường, điều đó không có nghĩa là chắc chắn bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe. Đôi khi có thể do một số nguyên nhân khách quan khác nhau khiến cho kết quả không chính xác, ví dụ như tâm trạng căng thẳng, mất ngủ trước đó hoặc cơ sở vật chất phòng thí nghiệm nơi bạn kiểm tra,… Loại trừ các nguyên nhân đó, thì khi kết quả xét nghiệm prolactin trong máu nằm ngoài giới hạn bình thường, có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề như sau:
>>>>>Xem thêm: Tiêm phòng trước khi mang thai: Bạn cần chủng ngừa những bệnh nào?
Nồng độ prolactin thấp
Thông thường các trường hợp có mức prolactin trong máu thấp sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày, do đó thường không cần phải điều trị. Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng này là do sử dụng thuốc. Một số loại thuốc có thể gây giảm sản xuất hormone prolactin như dopamine (dùng trong điều trị sốc), levodopa (điều trị bệnh Parkinson), các thuốc dẫn xuất từ nấm cựa gà (điều trị đau nửa đầu).
Ngoài ra, suy tuyến yên cũng là một nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nồng độ prolactin trong máu. Hậu quả của nó có thể làm chậm quá trình tăng trưởng, dậy thì ở trẻ em và gây lão hóa sớm ở người lớn. Tuy nhiên đây là một tình trạng hiếm gặp.
Nồng độ prolactin cao
Prolactin trong máu tăng có thể xảy ra ở cả nam và nữ, tuy nhiên phổ biến hơn vẫn là ở nữ giới. Prolactin cao thường gặp trong các bệnh lý sau:
- Có sự rối loạn tại tuyến yên, có thể là u tuyến yên
- Bệnh lý suy giáp
- Hội chứng đa nang buồng trứng
- Các bệnh về gan, thận
- Bệnh lý tại vùng hạ đồi, làm suy giảm dopamine
- Do sử dụng một số loại thuốc
Khi kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ prolactin cao, cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Nếu nghi ngờ có khối u tuyến yên đang phát triển, bác sĩ có thể đề nghị chụp CT hoặc MRI để kiểm tra kích thước khối u và đưa ra phương pháp điều trị.
Phần lớn u tuyến yên ở phụ nữ là u có kích thước nhỏ, thường không gây ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe khác mặc dù có làm thay đổi nồng độ hormone. Ngược lại, đối với nam giới thì khối u có thể lớn hơn, gây áp lực lên các dây thần kinh giữa não và mắt dẫn đến các biến chứng về thị lực cũng như gây đau đầu thường xuyên ở bệnh nhân.
Mặc dù không gây ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng sự bất thường về nồng độ prolactin có thể dẫn tới một số hậu quả như: rối loạn kinh nguyệt, ngừng rụng trứng (tắt kinh) ở nữ giới, ngoài ra có thể gây rối loạn cương dương, giảm sản xuất tinh trùng ở nam giới. Nghiêm trọng nhất là có thể gây vô sinh ở cả hai giới.