Đa số trường hợp xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em đều không rõ nguyên nhân và bệnh cũng không lây truyền qua tiếp xúc thông thường. Đây là một rối loạn của hệ miễn dịch, có thể cấp tính hoặc mạn tính.
Bạn đang đọc: Những thông tin về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em
Giảm tiểu cầu là tình trạng quá trình đông cầm máu không hoạt động như bình thường do số lượng tiểu cầu trong máu không đủ. Tiểu cầu là những mảnh tế bào nhỏ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đông máu bằng cách tụ tập lại và tạo thành nút kết tập tiểu cầu, giúp tạo nên cục máu đông khi cần thiết.
Nguyên nhân gây giảm tiểu cầu bao gồm tăng phá hủy tiểu cầu (liên quan đến hệ thống miễn dịch) và giảm sản xuất tiểu cầu hay “bẫy’ tiểu cầu ở lá lách. Giảm tiểu cầu cũng có khi xảy ra do một tình trạng bệnh hoặc rối loạn nào đó, chẳng hạn như bệnh bạch cầu, ung thư hạch, suy tủy xương (thiếu máu bất sản), nhiễm một số virus hoặc vi khuẩn, yếu tố di truyền, tác dụng phụ của thuốc hoặc do tiếp xúc với hóa chất độc hại.
Ở trẻ em, lý do phổ biến nhất gây giảm tiểu cầu là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn hay còn gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (nói ngắn gọn là xuất huyết giảm tiểu cầu). Lúc này, hệ thống miễn dịch nhận diện, tấn công nhầm vào các tế bào tiểu cầu và phá hủy chúng. Nếu xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em kéo dài hơn 6 tháng thì được xem là xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch mạn tính.
Cách điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây giảm tiểu cầu ở trẻ và trong một số trường hợp, trẻ sẽ không cần phải điều trị. Tình trạng giảm tiểu cầu sẽ được cải thiện khi bác sĩ xác định được nguyên nhân cơ bản. Các phương pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc (như corticosteroid, thuốc ức chế miễn dịch) và truyền máu hay truyền tiểu cầu.
Nội Dung
Những dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em
Dấu hiệu và triệu chứng xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em sẽ phụ thuộc vào lượng tế bào tiểu cầu đang có trong máu. Khi lượng tiểu cầu hạ thấp, bạn có thể thấy những biểu hiện sau ở trẻ:
- Có các vết bầm tím hoặc các đốm màu đỏ hay tím ở trên da, niêm mạc (ban xuất huyết)
- Chảy máu mũi hoặc chảy máu nướu
- Xuất hiện máu trong nước tiểu hoặc phân
- Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường ở trẻ vị thành niên
- Chảy máu ở đầu, đây là triệu chứng nguy hiểm nhất của xuất huyết giảm tiểu cầu
Bất kỳ chấn thương nào xảy ra, nhất là ở đầu, mà cơ thể không có đủ lượng tiểu cầu để giúp đông máu theo cơ chế tự nhiên đều có khả năng gây đe dọa đến tính mạng.
Tìm hiểu thêm: Viêm màng sụn vành tai
>>>>>Xem thêm: 10 bí quyết giúp đôi chân của bạn đẹp hơn
Các triệu chứng của xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch có thể khá giống với những rối loạn máu hoặc vấn đề y khoa khác. Do đó, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến chảy máu xảy ra.
Yếu tố làm tăng nguy cơ xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em
Có những yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em, gồm:
- Nhiễm virus hoặc vi khuẩn như H.pylori hoặc virus sởi gần đây
- Rối loạn trong hệ thống miễn dịch
- Một số thuốc gây giảm lượng tiểu cầu như thuốc kháng sinh, thuốc đều trị co giật
- Vắc xin (hiếm khi xảy ra)
Chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em
Để chẩn đoán, trước hết bác sĩ sẽ hỏi về những dấu hiệu và triệu chứng mà con bạn gặp phải gần đây. Bạn cũng cần thông báo với bác sĩ về những loại thuốc hay thực phẩm bổ sung mà trẻ đang sử dụng.
Sau đó, trẻ cần phải thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ tế bào tiểu cầu trong máu, đồng thời đánh giá tốc độ đông máu. Các xét nghiệm bổ sung khác có thể được thực hiện gồm xét nghiệm nước tiểu hoặc chọc hút tủy xương để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh.
Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em
Bác sĩ sẽ đưa ra quyết định điều trị cho tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ dựa trên nồng độ tiểu cầu trong máu và các triệu chứng đang có. Có những trường hợp trẻ chỉ cần được theo dõi lượng tế bào tiểu cầu thường xuyên, chặt chẽ cho đến khi cơ thể tự điều chỉnh lại các rối loạn mà không cần có biện pháp điều trị nào khác.
Nếu điều trị, bác sĩ có thể lựa chọn những phương pháp sau:
- Sử dụng thuốc. Các thuốc được dùng sẽ giúp ngăn chặn hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào tiểu cầu. Thuốc cũng giúp tăng lượng tiểu cầu lên và đề phòng chảy máu quá mức. Trẻ có thể được dùng thuốc qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
- Truyền tiểu cầu. Phương pháp này thường được chỉ định khi nồng độ tiểu cầu quá thấp. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu truyền tiểu cầu để giúp cầm máu trước khi thực hiện phẫu thuật.
- Phẫu thuật cắt bỏ lá lách. Cách này hiếm khi được chỉ định nhưng có những trường hợp trẻ cần phẫu thuật cắt bỏ lá lách để ngăn cơ thể phá hủy tiểu cầu nhiều hơn bình thường.
Bạn nên làm gì khi trẻ bị xuất huyết giảm tiểu cầu?
Khi lượng tiểu cầu trong máu không đủ để giúp quá trình đông máu diễn ra như bình thường thì bạn nên hướng dẫn trẻ cách chăm sóc bản thân để hạn chế bị mất máu, ngay cả trong những hoạt động thường ngày. Ví dụ như không nên sử dụng bàn chải có lông quá cứng để phòng ngừa chảy máu nướu hay sử dụng son dưỡng ẩm cho trẻ khi thời tiết hanh khô để tránh nứt nẻ da gây chảy máu. Bạn cũng không nên cắt móng tay, móng chân cho trẻ quá ngắn vì đầu các ngón tay, ngón chân sẽ dễ bị thương hơn. Thường xuyên nhắc nhở trẻ mang giày, dép để bảo vệ bàn chân.
Hạn chế để trẻ chơi các môn thể thao tiếp xúc mạnh hay các hoạt động có khả năng gây ra nhiều thương tích như đấm bốc, bóng đá, bóng rổ… Nếu trẻ bị thương hay chảy máu cam, hãy cố gắng dùng băng gạc hay khăn sạch để cầm máu ngay lập tức. Sau đó, nếu có thể hãy nâng khu vực bị thương lên cao hơn tim.
Lưu ý, bạn không nên cho trẻ uống aspirin hoặc các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) vì chúng có thể ngăn tiểu cầu hoạt động, tăng nguy cơ chảy máu và dễ bị bầm tím hơn.
Cuối cùng, hãy nhắc nhở trẻ luôn mang theo những giấy tờ tùy thân hoặc đeo vòng tay để mọi người có thể biết về tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch nếu trẻ không may gặp sự cố.
Nhìn chung, xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ em không có tiên lượng xấu, đặc biệt là khi tìm được nguyên nhân cơ bản và điều trị kịp thời. Căn bệnh này hiếm khi đe dọa đến tính mạng, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng khi lượng tiểu cầu giảm sút và các cơ quan bị ảnh hưởng.