Nội Dung
Tìm hiểu chung
Rậm lông là bệnh gì?
Bệnh rậm lông liên quan đến sự tăng trưởng quá nhiều của lông trên mặt và cơ thể ở phụ nữ. Lông dày và đen phát triển ở những khu vực mà nam giới thường có lông như: môi trên, cằm, ngực và lưng.
Bạn đang đọc: Rậm lông
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rậm lông là gì?
Lông phát triển ở vùng mặt (dưới dạng râu hoặc ria mép) và trên cơ thể đặc biệt ở môi trên, cằm, tóc mai, lưng, cổ, ngực, đùi, bụng và xung quanh núm vú. Lông trở nên rậm và đen. Phụ nữ có thể có các vấn đề về chu kì kinh nguyệt, sinh sản hoặc mụn.
Khi nồng độ androgen cao quá mức gây rậm lông, các dấu hiệu khác có thể phát triển theo thời gian trong một quá trình được gọi là nam hóa. Dấu hiệu của nam hóa có thể bao gồm: xuất hiện mụn, giảm kích thước vú, phì đại âm vật, giọng nói bị trầm, cơ phát triển, thay đổi trong mong muốn tình dục hoặc vô sinh.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nếu bạn có các dấu hiệu và triệu chứng được đề cập ở trên, hay có bất kỳ câu hỏi hoặc thắc mắc nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh rậm lông là gì?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng sức khỏe này có thể bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là:
1. Gen di truyền
Chứng rậm lông đôi khi có thể do di truyền. Nếu mẹ hay chị/em của bạn mắc chứng này thì có khả năng bạn cũng sẽ mắc nó. Theo khảo sát thì chứng rậm lông phổ biến ở những nước Trung Đông, Nam Á và Địa Trung Hải.
2. Rối loạn hormone
Trong rất nhiều trường hợp, rối loạn các hormone trong cơ thể được cho là thủ phạm gây ra chứng rậm lông ở nữ giới. Khi các chị em phụ nữ có lượng hormone androgen (hormone có ở nam giới) càng cao thì lông mọc càng nhiều và ngược lại. Tuy nhiên khi lượng hormone này quá cao, chúng không chỉ gây ra chứng rậm lông mà còn rất nhiều vấn đề khác như mụn, giọng trầm và ngực nhỏ.
Những phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng (các u nang nhỏ chứa đầy túi dịch trong buồng trứng của phụ nữ), hội chứng phát phì (khi có hormone gây căng thẳng cortisol trong thời gian dài) hay có các khối u trên tuyến thượng thận hoặc buồng trứng tạo ra các hormone tương tự cortisol thì có thể mang nhiều hormone nam giới và dễ mắc chứng rậm lông.
3. Ảnh hưởng của một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể làm thay đổi lượng hormone, do đó chúng làm cho lông mọc nhiều ở những nơi không mong muốn trên cơ thể, kể cả trên mặt. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn dùng các loại dược phẩm như các loại thuốc chứa nhiều hormone, chẳng hạn như hormone tổng hợp làm tăng cơ và khỏe cơ; các loại thuốc kích thích mọc lông; các loại thuốc giúp hỗ trợ bệnh lạc nội mạc tử cung (endometriosis).
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc phải bệnh rậm lông?
Bệnh rậm lông rất phổ biến, xảy ra từ 5% đến 10% ở nữ giới và thường không nghiêm trọng. Sự phát triển mạnh của lông cũng phổ biến ở phụ nữ da trắng có nguồn gốc Địa Trung Hải. Trị liệu có thể cải thiện tình trạng rậm lông nhưng có thể mất vài tháng để đem lại hiệu quả. Bệnh rậm lông không thể ngăn ngừa.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh rậm lông?
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng của mắc bệnh rậm lông, bao gồm:
- Tiền sử gia đình: rậm lông có thể di truyền trong gia đình.
- Một số bệnh lý có thể gây rậm lông, bao gồm: tăng sản thượng thận bẩm sinh và hội chứng buồng trứng đa nang.
- Chủng tộc địa lý: phụ nữ vùng Địa Trung Hải, Trung Đông và Nam Á có nhiều khả năng phát triển rậm lông tự phát hơn những nơi khác.
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh rậm lông?
Bác sĩ sẽ làm các kiểm tra vật lí và lấy mẫu máu và nước tiểu để đo lượng androgen gọi là testosterone và dehydroepiandrosterone sulfate (DHEAS). Bác sĩ có thể thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra nguyên nhân bệnh có phải do có vấn đề ở các cơ quan hay không trừ những khối u ở vú.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh rậm lông?
Nếu bạn cảm thấy lông mặt và lông trên cơ thể xuất hiện nhiều hơn mong muốn thì bạn có thể chọn nhiều cách khác nhau để triệt chúng. Một số cách phổ biến dùng để điều trị chứng rậm lông là:
- Giảm cân. Nếu bạn đang thừa cân và sau đó giảm được một lượng cân nặng đáng kể, cơ thể bạn sẽ sản xuất ra ít các hormone nam giới hơn và nhờ đó lông trên cơ thể cũng mọc ít hơn hẳn;
- Cạo lông. Bạn có thể loại bỏ những sợi lông không mong muốn một cách dễ dàng chỉ với một chiếc dao cạo hoặc đồ cạo râu điện tử. Tuy nhiên, bạn cần phải cạo lông hàng ngày để tránh những sợi lông mới mọc lởm chởm. Ngoài ra, bạn cũng nên bôi kem dưỡng da để tránh bị trầy xước;
- Nhổ lông. Có rất nhiều cách khác nhau để nhổ lông tận gốc và có một cách đơn giản đó là dùng nhíp. Bạn cũng có thể nhờ đến các tiệm thẩm mĩ để loại bỏ những vùng lông không mong muốn bằng phương pháp se lông. Tuy nhiên, những phương pháp này có thể gây đau, thậm chí là sưng tấy lỗ chân lông. Vì thế bạn nên cân nhắc trước khi áp dụng;
- Wax lông. Nhiều người chọn cách loại bỏ nhiều lông trên bề mặt da một cách nhanh chóng bằng sáp ong đun chảy. Bạn nên đến các salon làm đẹp để có thể trải nghiệm phương pháp này. Tuy nhiên, sau khi bạn wax lông bằng sáp ong thì da có thể đỏ và đau;
- Các loại kem tẩy lông. Một vài loại kem bôi ngoài da có chứa các chất hóa học mạnh có thể làm rụng lông. Do đó, bạn chỉ việc thoa kem lên da và chờ trong ít phút, sau đó dùng khăn lau lớp kem đó đi và lúc này những sợi lông của bạn cũng sẽ được dọn sạch. Tuy nhiên, phương pháp này có thể gây kích ứng đối với da nhạy cảm, vì thế bạn nên bôi thử sản phẩm lên một vùng da nhỏ để kiểm tra trước khi sử dụng;
- Kỹ thuật triệt lông bằng điện. Bạn có thể triệt lông tận gốc hiệu quả hơn với một dịch vụ khá đắt tiền, đó là sử dụng dòng điện. Sau khi bạn trị liệu bằng kỹ thuật này một vài lần thì lông sẽ ngưng mọc trên những vùng được tác động;
- Triệt lông bằng tia laser. Nhiệt tạo ra từ các tia laser có thể giúp bạn loại bỏ những sợi lông đáng ghét. Phương pháp này đòi hỏi bạn phải lặp lại quá trình này vài lần. Mục tiêu của phương pháp này là diệt lông tận gốc, cho nên nó có thể làm bạn đau đớn hoặc làm tổn thương cũng như để lại sẹo trên da;
- Uống thuốc. Các bác sĩ có thể kê cho bạn các loại thuốc có tác dụng làm thay đổi cách mà lông mọc trên cơ thể. Tuy nhiên, lông sẽ mọc trở lại ngay khi bạn ngưng sử dụng các loại thuốc này. Một số loại thuốc có tác dụng hạn chế mọc lông bao gồm: thuốc ngừa thai – có chức năng hạn chế sự sản sinh các hormone nam trong cơ thể, từ đó làm lông trên cơ thể bạn mọc ít hơn nếu bạn sử dụng chúng thường xuyên. Ngoài ra, các loại thuốc chống lại sự tiết ra của hormone nam giới cũng hạn chế sự xuất hiện dày đặc của lông.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh rậm lông?
Bạn có thể kiểm soát tình trạng bệnh của mình nếu bạn lưu ý vài điều sau:
- Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn.
- Nghe theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê cho bạn.
- Làm theo các hướng dẫn và liên hệ bác sĩ nếu việc điều trị của bạn không hiệu quả và lông mọc trở lại không như ý muốn.
- Giảm cân nếu bạn thừa cân có thể giúp giảm chứng rậm lông.
- Không sử dụng thuốc chứa hormone sinh dục nam trừ khi được bác sĩ chỉ định.
- Bệnh rậm lông sẽ không khỏi hoàn toàn hoặc nhanh chóng mà có thể mất từ 3 đến 6 tháng để thuốc phát huy tác dụng.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
>>>>>Xem thêm: 3 triệu chứng đau họng thường gặp và cách điều trị