Rối loạn cảm xúc là một tình trạng sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc của người bệnh. Chứng rối loạn này gây ra những biến đổi cảm xúc thất thường như buồn rầu, phấn chấn, tức giận dai dẳng và dữ dội. Vậy dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc là gì?
Bạn đang đọc: Rối loạn cảm xúc là gì? Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị
Rối loạn cảm xúc ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe tinh thần và thể chất. Cùng tìm hiểu về bệnh qua bài viết dưới đây!
Nội Dung
Rối loạn cảm xúc là gì?
Rối loạn cảm xúc (mood disorders) hay còn gọi là rối loạn khí sắc, đây là một dạng rối loạn tâm thần khiến trạng thái cảm xúc của bạn bị bóp méo hoặc không nhất quán với tình huống trong cuộc sống đến mức gây ra những thay đổi hành vi và khả năng thực hiện các hoạt động thường ngày trong công việc và học tập.
Bạn có thể vô cùng buồn bã, trống rỗng hoặc cáu kỉnh (trầm cảm) hoặc bạn cũng có thể vừa có giai đoạn trầm cảm xen kẽ với hưng cảm (cực kỳ hạnh phúc).
Có nhiều dạng rối loạn cảm xúc khác nhau, bao gồm rối loạn lưỡng cực, rối loạn lưỡng cực chu kỳ, hưng cảm nhẹ, rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn điều hòa khí sắc, rối loạn trầm cảm dai dẳng và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.
Các dạng rối loạn cảm xúc phổ biến
Rối loạn lưỡng cực: khi một người có các giai đoạn trầm cảm xen kẽ với các giai đoạn hưng cảm, tâm trạng phấn chấn.
Rối loạn trầm cảm chủ yếu: ít quan tâm đến các hoạt động thông thường, dễ khóc, cảm thấy buồn hoặc vô vọng và các triệu chứng khác kéo dài trong ít nhất 2 tuần.
Rối loạn trầm cảm dai dẳng: tâm trạng trầm buồn mạn tính, cảm thấy chán nản hoặc cáu kỉnh kéo dài ít nhất 2 năm.
Rối loạn tâm trạng do chất gây ra: Các triệu chứng trầm cảm do tác dụng của thuốc, lạm dụng ma túy, nghiện rượu, tiếp xúc với chất độc hoặc do các hình thức điều trị bệnh lý.
Rối loạn tâm trạng liên quan đến tình trạng sức khỏe khác: Nhiều bệnh nội khoa (bao gồm ung thư, chấn thương, nhiễm trùng và bệnh mãn tính) có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm.
Dấu hiệu, triệu chứng của rối loạn cảm xúc
Mỗi dạng rối loạn cảm xúc sẽ có triệu chứng và dấu hiệu riêng biệt. Thông thường, khi bị rối loạn cảm xúc, bạn sẽ có các triệu chứng ảnh hưởng đến tâm trạng, giấc ngủ, thói quen ăn uống, mức năng lượng, khả năng tư duy và hành vi (suy nghĩ nhiều và mất tập trung, có ý nghĩ tự tử).
Nhìn chung, dấu hiệu của rối loạn cảm xúc có thể chia thành: triệu chứng trầm cảm và triệu chứng hưng cảm.
Các triệu chứng trầm cảm bao gồm:
- Thiếu năng lượng, uể oải.
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều.
- Ngủ quá nhiều hoặc thiếu ngủ.
- Suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát.
- Cảm thấy vô dụng hoặc tuyệt vọng.
- Thường xuyên cảm thấy buồn gần như mỗi ngày.
- Khó tập trung, thường do dự và khó ra quyết định.
- Giảm hứng thú với các hoạt động và sở thích so với trước đây.
- Rối loạn vận động như trở nên chậm chạp, mệt mỏi hoặc trì trệ trong hoạt động, lời nói và suy nghĩ.
- Giọng nói đều đều, mắt thường lơ đãng nhìn xa xăm khi nói chuyện với người khác. Nhiều người có thể thường xuyên lo lắng, đi tới đi lui, không thể ngồi yên một chỗ.
Các triệu chứng của hưng cảm bao gồm:
- Ý nghĩ hoang tưởng.
- Nói nhanh hoặc di chuyển nhanh.
- Giảm nhu cầu ngủ hoặc ngủ ít hơn.
- Kích động, bồn chồn hoặc cáu kỉnh.
- Cảm thấy tràn đầy năng lượng hoặc rất phấn chấn.
- Có hành vi liều lĩnh, chấp nhận rủi ro. Ví dụ như tiêu tiền nhiều hơn bình thường hoặc lái xe liều lĩnh.
Tìm hiểu thêm: 9 cách trị rụng tóc sau sinh giúp mẹ cải thiện khuyết điểm dễ dàng
>>>>>Xem thêm: 12 nguyên nhân bị đau nhói ở vùng kín và cách giải quyết
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn cảm xúc là gì?
Hiện tại, chưa có nghiên cứu nào xác định được chính xác nguyên nhân gây ra rối loạn cảm xúc. Một số giả thuyết cho rằng nguyên nhân là do:
- Yếu tố di truyền: Những người có tiền sử bệnh gia đình mắc chứng rối loạn cảm xúc, khả năng cao họ cũng mắc chứng rối loạn này do yếu tố di truyền.
- Các yếu tố sinh học: Vùng hạch hạnh nhân và vỏ não trán ổ mắt (orbitofrontal cortex) là bộ phận não chịu trách nhiệm về kiểm soát cảm giác. Tuỳ rối loạn mà sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến não, trầm cảm thường sẽ giảm hoạt động não bộ, vào giai đoạn hưng cảm thì hoạt động này sẽ tăng lên.
- Các yếu tố môi trường là yếu tố thúc đẩy rối loạn cảm xúc. Những thay đổi lớn trong cuộc sống như mất người thân, căng thẳng, chấn thương, một số bệnh tật và tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh khác đều có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc. Những triệu chứng rối loạn này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, mọi giới tính,…
Ảnh hưởng của rối loạn khí sắc đến cuộc sống
Rối loạn cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Bạn có thể bị mất khả năng hoạt động, làm việc, duy trì tương tác xã hội và giữ nếp sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa, người bị rối loạn khí sắc cũng làm gia tăng nguy cơ tự sát.
Chẩn đoán và phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc
Chẩn đoán rối loạn cảm xúc
Chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ tâm thần sẽ tiến hành phỏng vấn hoặc khảo sát, đặt câu hỏi về các triệu chứng, thói quen ngủ và ăn uống, cũng như các hành vi khác của người bệnh.
Sau đó các chuyên gia sẽ sử dụng các tiêu chí trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, phiên bản thứ 5 của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ để chẩn đoán rối loạn.
Ngoài ra, bạn sẽ cần thực hiện các xét nghiệm và khám sức khỏe để loại trừ các nguyên nhân sinh lý gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp hoặc bị thiếu vitamin.
Chuyên gia tâm lý lâm sàng hoặc bác sĩ tâm thần cũng sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bạn, bất kỳ loại thuốc nào bạn đang dùng và liệu bạn hoặc bất kỳ thành viên nào trong gia đình đã được chẩn đoán mắc rối loạn cảm xúc hay chưa.
Phương pháp điều trị rối loạn khí sắc
Tuỳ thuộc vào tình trạng và triệu chứng cụ thể mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Một số phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc như:
- Điều trị bằng thuốc: Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc điều trị trầm cảm, giúp ổn định tâm trạng người bệnh. Với một số người mắc bệnh rối loạn lưỡng cực, thuốc ổn định cảm xúc có thể hỗ trợ vượt qua các cơn hưng cảm.
- Tâm lý trị liệu: Tuỳ vào tình trạng của bệnh, chuyên gia tâm lý có thể sử dụng một số phương pháp như liệu pháp hành vi nhận thức hành vi (CBT), liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), liệu pháp tâm động học. Thông qua các cuộc trò chuyện trị liệu, các bác sĩ giúp quản lý cảm xúc và các tình trạng sức khỏe tâm thần người bệnh.
- Liệu pháp kích thích não: Ngoài ra còn có các liệu pháp kích thích não như liệu pháp ánh sáng, liệu pháp sốc điện (ECT), liệu pháp kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS).
Xem thêm: 9 cách giữ bình tĩnh giúp bạn luôn vững vàng tâm lý
Rối loạn khí sắc có phòng ngừa được không?
Hiện tại, khoa học chưa có cách ngăn ngừa và giảm tỷ lệ mắc rối loạn cảm xúc. Dù vậy, nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, rối loạn cảm xúc có thể kiểm soát, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của những người mắc rối loạn này.
Nếu có bất cứ triệu chứng nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc và sức khoẻ tinh thần, hãy đến thăm khám với bác sĩ tâm lý để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả và quay trở lại cân bằng cuộc sống.