Sau khi chào đời, trẻ có thể nhìn được mọi vật như người lớn? Để trả lời thắc mắc này, bạn hãy tham khảo bài viết về sự phát triển thị giác của trẻ sơ sinh.
Bạn đang đọc: Sự phát triển thị giác của trẻ sơ sinh trong năm đầu đời
Cuối cùng, cuộc vượt cạn cũng thành công tốt đẹp. Bạn hạnh phúc lắm khi nhận con từ tay cô y tá. Đôi mắt bé dường như chưa quen với ánh sáng bên ngoài nên lúc nào cũng nhắm nghiền lại. Thỉnh thoảng bé mở mắt he hé ra để bắt đầu làm quen với thế giới xung quanh. Mỗi lần như thế, bạn lại òa lên: “Đây là mẹ nè con, còn đây là ba”. Thật ra, lúc này, bé đã có thể thấy bạn chưa? Bài viết sau sẽ giải đáp thắc mắc này cho bạn.
Nội Dung
- 1 Khi nào trẻ có thể nhìn thấy?
- 2 5 điều bạn nên biết về thị giác của trẻ sơ sinh
- 3 Sự phát triển thị giác của bé từ 0 – 2 tháng tuổi
- 4 Sự phát triển thị giác của bé từ 2 – 4 tháng tuổi
- 5 Sự phát triển thị giác của bé từ 4 – 8 tháng
- 6 Sự phát triển thị giác của bé từ 9 – 12 tháng
- 7 Các vấn đề về thị giác và dấu hiệu nhận biết
- 8 Khi nào nên đưa bé đi khám mắt?
- 9 Làm thế nào để bé phát triển thị giác tốt hơn?
- 10 Sự phát triển thị giác ở trẻ sinh non
Khi nào trẻ có thể nhìn thấy?
Trẻ sơ sinh sẽ phát triển thị giác đầy đủ vào cuối tháng thứ 9 và hoàn thiện khi bé 1 tuổi. Bé sẽ thích nhìn những màu sắc có độ tương phản cao và hình thể rõ ràng.
Đôi mắt của bé đã có thể nhìn thấy khi mới vừa chào đời, nhưng lúc này não vẫn chưa sẵn sàng để xử lý và giải thích những thông tin phức tạp. Do đó, khả năng xử lý màu sắc của bé vẫn còn rất hạn chế. Trong những tháng tiếp theo, bé sẽ dần phát triển thị giác về màu sắc.
5 điều bạn nên biết về thị giác của trẻ sơ sinh
1. Đôi mắt “sơ khai”
Tiền thân của đôi mắt là hai đường rãnh nhỏ xuất hiện trên phôi thai ở ngày thứ 22 của thai kỳ. Từ đây, hình thành dây thần kinh thị giác và sau đó là đôi mắt.
2. Kiểm tra các dị tật mắt bẩm sinh
Ngay khi bé chào đời, bác sĩ sẽ kiểm tra xem bé có mắc các dị tật mắt bẩm sinh hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ còn nhỏ nước muối sinh lý cho bé để ngăn nhiễm trùng.
3. Bé sẽ nhìn thấy gì?
Ngay khi sinh ra, bé chỉ nhìn được sự vật xung quanh trong hai màu: đen, trắng và sắc độ xám trung gian. Điều này là do các tế bào thần kinh não và các tế bào mắt chưa phát triển hoàn toàn.
4. Tầm nhìn bị hạn chế
Bé sẽ không thể di chuyển mắt của mình để quan sát cùng lúc hai đối tượng và chỉ có thể nhìn thấy vật thể trong phạm vi 20 – 30cm trước mặt.
5. Tật khúc xạ
Trẻ sơ sinh sẽ mắc phải một số tật khúc xạ tự nhiên. Người lớn mắc tật khúc xạ thì sẽ phải đeo kính. Tuy nhiên, đối với trẻ nhỏ, bạn không cần phải lo lắng vì đây là do võng mạc của bé đang phát triển. Ngoài ra, bạn cũng sẽ thấy bé thường phản ứng với những ánh sáng rực rỡ bằng cách nhấp nháy mắt.
Sự phát triển thị giác của bé từ 0 – 2 tháng tuổi
1. Bé sẽ thấy màu gì đầu tiên?
Bé có thể nhìn thấy tất cả màu sắc, nhưng có một số màu bé thấy rõ hơn những màu còn lại. Một số nghiên cứu cho rằng trẻ sơ sinh có thể phân biệt được những màu sắc cơ bản như đỏ, xanh dương và xanh lá cây. Tuy nhiên, bé không phân biệt được các màu tương tự nhau như màu đỏ và màu cam. Điều này có nghĩa là bé vẫn có thể nhận biết được các màu sắc nhưng không phân biệt được các sắc thái màu.
2. Bị “đơ”
Những màu sắc có sự tương phản cao dễ khiến bé chú ý. Thế nhưng, não của bé vẫn chưa thể xử lý hết các dữ liệu hình ảnh. Do đó, đừng quá ngạc nhiên khi bé bỗng rơi vào trạng thái “vô hồn” khi bạn mỉm cười hoặc nhấp nháy mắt.
3. Giãn đồng tử
Đồng tử của bé thường co lại trong hai tuần đầu để hạn chế sự xâm nhập của ánh sáng vì võng mạc của bé còn rất nhạy cảm. Đến tuần thứ ba, đồng tử của bé sẽ bắt đầu giãn ra để ánh sáng lọt vào nhiều hơn. Sau khi chào đời vài tuần, bạn sẽ thấy bé mở mắt trong một khoảng thời gian xác định.
4. Thị lực mờ
Ở tháng đầu tiên, tầm nhìn của bé giống như bị một lớp sương mù bao phủ. Do đó, bé chỉ có thể phản ứng khi đối tượng mà bé nhìn thấy lớn, hình thể rõ ràng và có nhiều màu sắc tương phản.
5. Phát triển kỹ năng phối hợp tai – mắt
Cuối tháng đầu tiên, bé sẽ phát triển kỹ năng phối hợp giữa tai và mắt. Điều này có nghĩa là khi bạn rung cái lúc lắc cách mặt bé từ 20 – 30 cm, bé sẽ phản ứng lại bằng cách nhìn vào nó.
6. Phát triển tầm nhìn ngoại vi
Bé sẽ có tầm nhìn ngoại vi tốt hơn và có thể tập trung vào một vật cách bé 1m.
7. Học cách tập trung
Ở thời điểm này, bạn sẽ có cảm giác dường như bé bị lé. Điều này là hoàn toàn bình thường vì bé vẫn đang học cách để nhìn chăm chú vào một vật.
8. Phân biệt màu sắc
Cuối tháng thứ hai, bé sẽ bắt đầu phân biệt được các sắc thái màu. Trẻ nhỏ thường thích màu sáng và đó là lý do tại sao đồ chơi trẻ em thường có màu sắc rực rỡ.
9. Mẹ đang mỉm cười
Bây giờ bé đã nhận biết được nụ cười trên gương mặt bạn và biết nở nụ cười đáp lại. Đây là một dấu hiệu cho thấy bé đã có thể tập trung vào một đối tượng cụ thể.
Sự phát triển thị giác của bé từ 2 – 4 tháng tuổi
1. Mở rộng phạm vi thị giác
Ở giai đoạn này, phạm vi thị giác của bé sẽ được cải thiện. Điều này có nghĩa là bé nhận thức được vật thể cách bé bao xa. Ngoài ra, đây cũng là một dấu hiệu cho thấy sự phối hợp giữa mắt và não đã trở nên tốt hơn.
2. Ghi nhận các vật thể
Lúc này, bé đã có thể ghi nhận sự chuyển động của vật thể tốt hơn. Nếu có vật thể nào thay đổi vị trí, bé sẽ nhìn nó. Bé sẽ bắt đầu quan sát mọi thứ xung quanh. Hãy di chuyển cái lúc lắc trong tầm nhìn, bé sẽ dựa theo âm thanh và nhìn theo nó.
3. Nhiều màu sắc hơn
Bé nhìn thấy nhiều màu hơn.
4. Bé nhìn thấy xa hơn và rõ hơn
Cuối tháng thứ tư, tầm nhìn của bé đã được cải thiện. Bây giờ khi bạn đặt bé ngồi bên cửa sổ, bé không chỉ nhìn thấy tấm kính mà còn nhìn thấy những vật xuyên qua đó.
Sự phát triển thị giác của bé từ 4 – 8 tháng
1. Một thế giới đầy màu sắc: Đến tháng thứ năm, thị giác màu sắc của bé đã phát triển rất mạnh mẽ.
2. Ghi nhớ khuôn mặt: Bé đã nhận thức được sự quen thuộc của khuôn mặt và vật thể ở cách mình 2m.
3. Sự cố định: Lúc này, bé đã dần có tầm nhìn như người lớn. Bé đã nhìn được những chi tiết nhỏ và hiểu về sự cố định của các vật thể. Điều này có nghĩa là nếu bạn giấu một món đồ chơi dưới tấm chăn ngay trước mặt, bé sẽ biết món đồ chơi vẫn còn ở đó.
Sự phát triển thị giác của bé từ 9 – 12 tháng
1. Thị giác của bé dần hoàn thiện
Đây là lúc bé đã có khả năng thị giác giống như người lớn. Thị giác màu sắc và nhận thức của bé đã cải thiện rất nhiều.
2. Màu mắt cố định
Màu mắt của bé lúc này sẽ không còn thay đổi nữa và sẽ theo bé cho đến suốt cuộc đời.
3. Nhận thức được gần và xa
Khi 1 tuổi, bé sẽ có tầm nhìn như người lớn, sẽ phân biệt được giữa gần và xa, phân biệt được màu sắc và nhận ra khuôn mặt và vật thể quen thuộc.
4. Phối hợp giữa mắt và cơ
Bé sẽ dần dần học được cách phối hợp giữa cơ và mắt. Tuy nhiên, lúc này các cơ của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ. Do đó, đôi lúc bạn sẽ thấy bé khá vụng về đấy.
Kiểm tra mắt thường xuyên là điều mà bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện để đảm bảo sức khỏe của đôi mắt.
Các vấn đề về thị giác và dấu hiệu nhận biết
Đôi mắt của bé vẫn đang phát triển. Vì vậy, bạn phải theo dõi cẩn thận để xem có gì bất thường hay không. Nếu bé có các triệu chứng sau đây thì bạn cần phải lưu ý:
1. Mí mắt đỏ hoặc sưng: Bé có thể bị nhiễm trùng hoặc dị ứng.
2. Đảo mắt liên tục: Đôi mắt của bé vẫn đang phát triển nên mắt bé vẫn thường di chuyển. Tuy nhiên, nếu di chuyển quá nhiều thì nhiều khả năng bé đang gặp phải một vấn đề nào đó.
3. Quá nhạy với ánh sáng: Nếu bé nhắm mắt lại mỗi khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì có thể bé đang gặp vấn đề với các tế bào võng mạc.
4. Chảy nước mắt quá nhiều: Điều này có thể do các tuyến lệ của bé vẫn đang phát triển hoặc là do tắc tuyến lệ.
5. Đồng tử trắng: Đây có thể là dấu hiệu của đục tinh thể. Bạn nên đưa bé đi khám ngay.
Khi nào nên đưa bé đi khám mắt?
Đưa bé đi kiểm tra mắt thường xuyên là điều mà bạn nên làm. Dưới đây là một số căn bệnh có thể được phát hiện thông qua kiểm tra mắt:
1. Đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là tình trạng có một bóng mờ trên thủy tinh thể. Bóng mờ này ngăn cản ánh sáng đến võng mạc và khiến hình ảnh bị nhòe, mờ. Đục thủy tinh thể thường được phát hiện ngay sau khi sinh hoặc sau vài tuần. Để điều trị, bé cần được phẫu thuật để loại bỏ thủy tinh thể bị đục và thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo.
2. Tắc tuyến lệ
Ống lệ là hai ống nhỏ có chức năng dẫn lượng nước mắt thừa từ mắt xuống mũi. Đôi khi, một hoặc cả hai ống lệ bị tắc nghẽn vào lúc trẻ sinh ra. Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch yếu, nếu một trong hai ống lệ bị viêm sẽ dễ khiến vi khuẩn sinh sôi. Đối với bệnh này, bác sĩ sẽ đề nghị can thiệp bằng kháng sinh để tránh nguy cơ bé bị mất thị lực.
3. Nhược thị
Nhược thị thường gây ra tình trạng một bên mắt phát triển không bình thường, đôi khi cũng có thể xảy ra ở cả 2 mắt, dẫn đến thị lực kém. Bệnh này là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vấn đề về thị lực ở trẻ em. Để phát hiện được bệnh này không phải là điều dễ dàng vì 2 mắt của bé nhìn giống như khỏe mạnh. Những cuộc kiểm tra định kỳ sẽ giúp bạn phát hiện ra điều này sớm hơn.
4. Lác mắt (lé mắt)
4 tháng đầu tiên, mắt bé thường di chuyển theo 2 hướng khác nhau, không có sự phối hợp. Từ tháng thứ 5, mắt bé đã dần trở nên bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài đến tháng thứ 6 thì có thể bé đã mắc phải chứng lác mắt. Bệnh này thường phát hiện khi bạn đưa bé đi kiểm tra mắt.
5. Bệnh võng mạc
Đây là tình trạng võng mạc bị tổn thương do sinh non. Nguyên nhân là do các mạch máu trong võng mạc vẫn chưa phát triển đầy đủ hoặc có sự phát triển bất thường. Bệnh này rất dễ phát hiện khi đi kiểm tra mắt.
6. Sụp mi mắt
Mi mắt được giữ chặt bởi các cơ. Sụp mi bẩm sinh thường là do sự phát triển bất thường của các cơ nâng đỡ mi mắt, khiến mi mắt rơi tự do. Bệnh này không quá nghiêm trọng nhưng nó dẫn đến nhiều chứng bệnh khác như nhược thị. Tuy nhiên, bệnh này rất dễ phát hiện và điều trị.
Làm thế nào để bé phát triển thị giác tốt hơn?
Bạn có thể thực hiện các bước sau để giúp bé phát triển tốt hơn:
0 – 2 tháng tuổi
- Sử dụng những đồ chơi có màu sắc tương phản cao và đặt cách bé 30cm.
- Sử dụng ánh sáng mờ trong phòng bé.
- Trẻ sơ sinh thường thấy khuôn mặt của mẹ khi bú. Vì vậy, hãy cho bú luân phiên cả hai bên để bé quan sát bạn bằng cả 2 mắt.
- Khi bé 1,5 tháng tuổi, hãy cho bé chơi những trò chơi đơn giản. Để bé xa bạn khoảng 15cm và nhìn vào mắt bé. Khi bé đã nhìn vào mắt bạn, hãy di chuyển từ từ sang 2 bên. Đây sẽ là một bài tập luyện mắt tuyệt vời.
- Khi 2 tháng tuổi, bé sẽ mỉm cười và phản ứng lại những biểu cảm trên khuôn mặt của bạn. Hãy nhìn vào mắt bé và mỉm cười hoặc nói chuyện. Điều này sẽ giúp bé cải thiện sự tập trung và tăng chú ý.
2 – 4 tháng tuổi
Tìm hiểu thêm: Lồi đĩa đệm là gì ? cách điều trị bênh.
- Thị giác màu sắc của bé đã bắt đầu phát triển trong giai đoạn này. Cho bé chơi những đồ chơi có màu sắc sống động.
- Kệ treo đồ chơi (kệ chữ A) là một nơi lý tưởng để bé phát triển thị giác. Bạn có thể treo những món đồ lủng lẳng để kích thích sự tò mò của bé.
4 – 8 tháng tuổi
- Cho bé chơi những món đồ chơi nhiều màu sắc. Mua các loại trái cây để bé nhận biết những màu sắc tự nhiên.
- Giấu đồ vật, kiếm kho báu… là những trò chơi bạn có thể chơi với bé. Những trò chơi này sẽ kích thích phát triển thị giác.
- Những đồ chơi với màu sắc rực rỡ sẽ là những thứ mà bé yêu thích. Do đó, mua cho bé nhiều món đồ chơi loại này để thu hút sự chú ý.
9 – 12 tháng tuổi
>>>>>Xem thêm: Nhiễm trùng mắt
- Chơi những trò chơi di chuyển vật thể đơn giản như ném bóng.
- Đọc truyện cho bé nghe. Bạn hãy mua những quyển truyện có nhiều màu sắc, để trước mặt bé, vừa đọc vừa minh họa. Khuyến khích bé chỉ vào hình ảnh minh họa và nhắc lại tên.
- Bé thích nhìn khuôn mặt con người. Do đó, bạn và các thành viên khác trong gia đình nên chơi với bé nhiều hơn. Đây là cách tuyệt vời để kích thích khả năng ghi nhớ một khuôn mặt mới.
Sự phát triển thị giác ở trẻ sinh non
Trẻ sinh non thường rất dễ gặp các biến chứng, bao gồm các biến chứng về mắt. Bé sinh non thường có tốc độ phát triển chậm hơn so với những đứa trẻ khác. Thông qua việc chăm sóc và dùng thuốc, thị lực của bé sẽ phát triển bình thường. Trẻ sinh non dễ mắc các bệnh liên quan đến võng mạc. Mắt bắt đầu phát triển vào khoảng tuần thai kỳ thứ 16, khi các mạch máu của võng mạc bắt đầu hình thành ở dây thần kinh thị giác nằm ở mặt sau của mắt. Các mạch máu phát triển dần dần về phía các cạnh của võng mạc đang phát triển, cung cấp oxy và chất dinh dưỡng.
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, mắt phát triển nhanh chóng. Nếu em bé sinh đủ tháng thì mạch máu võng mạc gần như phát triển hoàn chỉnh (võng mạc thường ngưng phát triển vài tuần tới một tháng sau khi sinh). Nếu em bé sinh non thì trước khi các mạch máu đến các cạnh của võng mạc, mạch máu có thể ngừng phát triển. Các cạnh của võng mạc ngoại vi có thể không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Bệnh võng mạc do non tháng có thể được điều trị trong quá trình chăm sóc và cho con bú.
Đôi mắt là một phần rất quan trọng đối với cơ thể. Để tránh những vấn đề bé có thể gặp phải trong tương lai, bạn nên chăm sóc mắt bé cẩn thận ngay từ bây giờ. Theo dõi sự phát triển của mắt, nếu thấy có gì bất thường, hãy đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức.