“Ung thư” chỉ có 2 từ đơn giản nhưng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến một người bị chẩn đoán mắc bệnh này. Nếu bác sĩ chẩn đoán một người bị ung thư, đó chỉ là bước đầu tiên cho một hành trình dài với những ảnh hưởng về sức khỏe thể chất, tâm lý của bệnh nhân ung thư và mối quan hệ với những người thân yêu.
Bạn đang đọc: Tâm lý của bệnh nhân ung thư sẽ như thế nào khi biết mình mắc bệnh?
Khi bị ung thư, ngoài việc chú trọng đến việc điều trị, các vấn đề về cảm xúc cũng cần được quan tâm. Cách tốt nhất để có thể nâng cao chất lượng cuộc sống là tìm hiểu thật kỹ về căn bệnh này. Thông tin cũng giống như “vũ khí”. Khi đã có vũ khí trong tay, bệnh nhân sẽ thấy căn bệnh này không còn bí ẩn và đáng sợ nữa.
Việc điều trị ung thư có thể làm thay đổi tài chính, cảm xúc và tâm lý của bệnh nhân ung thư. Người bệnh không nên ngại chia sẻ với bác sĩ về cảm xúc của mình, đặc biệt là các vấn đề mà mình lo lắng. Đừng nghĩ rằng việc hỗ trợ tâm lý chỉ dành cho những người yếu đuối hoặc không cần thiết. Não cũng giống như những bộ phận khác của cơ thể, bệnh tật có thể ảnh hưởng đến nó. Vì vậy, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý khi cảm thấy khó khăn trong quá trình điều trị bệnh.
Nội Dung
Mối quan hệ xã hội
Ung thư có thể làm thay đổi mối quan hệ giữa bệnh nhân với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Quá trình điều trị có thể củng cố thêm mối quan hệ của bệnh nhân với mọi người nhưng nó cũng có thể làm rạn nứt mối quan hệ này. Nguyên nhân chính gây ra sự rạn nứt thường là do họ không biết hỗ trợ bệnh nhân như thế nào. Trò chuyện thẳng thắn, cởi mở là cách đơn giản nhất để giải quyết vấn đề. Hãy nhớ rằng sự im lặng có thể phá hủy các mối quan hệ.
Các mối quan hệ xã hội này không chỉ bao gồm người thân, bạn bè, đồng nghiệp mà nó còn có cả bác sĩ và chuyên gia trị liệu. Những người chăm sóc cần phải lắng nghe nhu cầu và mối quan tâm của người bệnh. Sự hỗ trợ của mọi người có thể giúp người bệnh bớt căng thẳng trong quá trình điều trị. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên ngại yêu cầu giúp đỡ từ những người thân và bạn bè.
Thiếu sự hỗ trợ của người thân và bạn bè có thể làm người bệnh ung thư thêm lo lắng. Điều này khiến chất lượng sống của họ bị giảm sút. Việc các thành viên trong gia đình thường xuyên bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ với nhau sẽ giúp giảm nguy cơ trầm cảm.
Hơn nữa, khi người bệnh có thể thoải mái trình bày ý kiến của mình với các thành viên trong gia đình, cảm giác lo lắng sẽ giảm bớt. Nhìn chung, những người bệnh thiếu sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình và bạn bè thường có nguy cơ tử vong cao hơn.
Thay đổi từ trong ra ngoài
Quá trình điều trị ung thư có thể khiến người bệnh thay đổi từ trong ra ngoài như: rụng tóc, thay đổi cân nặng, cơ thể xuất hiện nhiều vết sẹo do phẫu thuật hoặc các bộ phận trong cơ thể bị thay đổi hoặc cắt bỏ. Điều này có thể làm thay đổi xu hướng tình dục và ngoại hình của người bệnh. Bên cạnh đó, điều trị ung thư còn ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản như vú, tuyến tiền liệt, tinh hoàn. Điều này làm người bệnh hoang mang khi cho rằng mình không còn là đàn ông hoặc phụ nữ nữa.
Người bệnh có thể cảm thấy e ngại khi thảo luận với bác sĩ các vấn đề liên quan đến đời sống tình dục. Thực tế, đa số người bệnh cho biết các bác sĩ không quan tâm nhiều đến những thay đổi về tình dục của bệnh nhân. Họ thường không thảo luận về tình dục vì có thể họ cho rằng nó không quan trọng hoặc bản thân ngại nói về nó hay bác sĩ điều trị ung thư không có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Mong muốn được sống là điều đầu tiên người bệnh nghĩ đến khi nhận được kết quả chẩn đoán ung thư. Lúc đầu, người bệnh có thể không quan tâm đến các vấn đề tình dục, nhưng sau một thời gian, người bệnh sẽ muốn trở lại cuộc sống bình thường như trước đây. Do đó, sự gần gũi giữa hai vợ chồng là cách để giảm bớt đau khổ và điều hòa cảm xúc cho bệnh nhân.
Phải mất một khoảng thời gian người bệnh mới thích nghi với việc các bộ phận trong cơ thể hoặc ngoại hình của mình thay đổi. Người bệnh nên chia sẻ với bác sĩ về tất cả những mối quan tâm của mình.
Vấn đề liên quan đến tâm lý của bệnh nhân ung thư
1. Lo âu
Lo âu là một phản ứng bình thường khi nghe tin mình bị ung thư. Khi cảm thấy bị đe dọa, sự căng thẳng sẽ tăng lên một cách tự nhiên. Các triệu chứng thường gặp là tim đập nhanh, không đều, rối loạn nhịp tim… Lo lắng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh. Khoảng 48% bệnh nhân ung thư cảm thấy lo lắng quá mức và 18% có các triệu chứng rối loạn lo âu.
Những bệnh nhân độc thân thường có xu hướng lo lắng nhiều hơn. Lo lắng có thể khiến người bệnh suy sụp tinh thần và không thể làm bất cứ việc gì khác. Không những vậy, lo lắng còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tiến độ điều trị ung thư. Mất ngủ nghiêm trọng, đau đớn và trầm cảm là những điều có thể xảy ra khi người bệnh lo âu quá mức.
Cách để giúp người bệnh bớt lo lắng là khuyên họ tìm hiểu thêm thông tin về bệnh ngoài việc sử dụng thuốc và các liệu pháp điều trị tâm lý.
Tìm hiểu thêm: Các biểu hiện khó thở ở con yêu
>>>>>Xem thêm: Biến chứng không ngờ từ phẫu thuật cắt gan
2. Trầm cảm
Trầm cảm là một vấn đề tâm lý của bệnh nhân ung thư khá thường gặp. Theo thống kê, khoảng 16 – 25% người bệnh ung thư có dấu hiệu trầm cảm. Trong đó, có khoảng 35% bệnh nhân không được phát hiện, nên không điều trị kịp thời. Nếu bệnh nhân có 5 trong số các triệu chứng sau và kéo dài từ 2 tuần trở lên thì cần phải chú ý:
- Tâm trạng chán nản kéo dài trong nhiều ngày
- Không còn quan tâm đến các hoạt động bình thường
- Giảm cân hoặc tăng cân đáng kể, chán ăn
- Ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường
- Mệt mỏi hoặc mất năng lượng mỗi ngày
- Cảm giác tội lỗi
- Giảm khả năng suy nghĩ hoặc tập trung
- Thường xuyên suy nghĩ về cái chết và có ý định tự sát.
Trầm cảm có thể có những tác động khác nhau đối với tâm lý của bệnh nhân ung thư. Ung thư ở giai đoạn nặng, đau đớn, thiếu sự hỗ trợ của gia đình là những yếu tố làm tăng nguy cơ ở người bệnh. Ngoài ra, trầm cảm còn do một số nguyên nhân như:
- Căng thẳng tâm lý
- Các vấn đề sinh lý
- Tác dụng phụ của thuốc
- Phản ứng với hóa trị liệu
- Rối loại chức năng tuyến giáp
- Chế độ ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu không được điều trị, trầm cảm có thể có tác động tiêu cực đến các vấn đề sức khỏe, quá trình phục hồi và làm tăng nguy cơ tử vong của bệnh nhân. Bệnh nhân lớn tuổi và phụ nữ có xu hướng bị trầm cảm nhiều hơn. Trầm cảm khiến nguy cơ tử vong ở bệnh nhân ung thư vú và ung thư thận tăng cao. Vì vậy, các bệnh nhân ung thư cần chú ý đến vấn đề này khi điều trị bệnh.
Có hai cách để điều trị bệnh trầm cảm: tâm lý trị liệu và dược lý. Đối với tâm lý trị liệu, người bệnh sẽ được hỗ trợ cách để xử lý cảm xúc và suy nghĩ của bản thân. Để thực hiện phương pháp này, chuyên gia tâm lý sẽ trò chuyện, áp dụng kỹ thuật thư giãn, giáo dục, thôi miên… Còn điều trị bằng dược lý là liên quan đến việc sử dụng thuốc chống trầm cảm theo chỉ định của bác sĩ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cách tốt nhất để điều trị trầm cảm cho người bệnh ung thư là kết hợp cả hai phương pháp trị liệu trên.
3. Cảm giác không chắc chắn và suy nghĩ tiêu cực
Những bệnh nhân ung thư có thể cảm thấy không chắc chắn trong việc lên kế hoạch cho tương lai vì họ không biết chắc điều gì sẽ xảy ra trong quá trình điều trị. Nếu bệnh nhân ung thư trải qua những cảm xúc tiêu cực thì điều quan trọng là họ phải nhận biết mình có cảm giác lo âu và trầm cảm hay không. Ngoài ra, việc thể hiện cảm xúc của bản thân cũng có thể giúp giảm căng thẳng.
4. Tức giận và sợ hãi
Tức giận, sợ hãi là những phản ứng tự nhiên khi nghe tin mình bị ung thư. Bạn bè và người thân trong gia đình cũng sẽ có những cảm xúc tương tự như vậy. Thường xuyên tức giận và sợ hãi có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như trầm cảm, mệt mỏi, tuyệt vọng và thiếu động lực. Vì vậy, để hạn chế những cảm xúc này, người bệnh nên nói chuyện với người thân, bạn bè, gia đình hoặc các chuyên gia tâm lý.