Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat

Bạn đang đọc: Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat

Tìm hiểu chung

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat là bệnh gì?

Các tế bào màu đỏ hay hồng cầu là loại tế bào phổ biến nhất trong máu, giữ vai trò cung cấp oxy (O2) cho các mô qua con đường lưu thông máu trong hệ thống tuần hoàn. Vitamin B12 và folat đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tạo máu của cơ thể, nhờ đó sinh ra các tế bào hồng cầu mới và khỏe thay thế hồng cầu già. Nguyên bào hồng cầu (tiền thân của hồng cầu) cần folat và vitamin B12 cho sự tăng sinh và biệt hóa của chúng.

Bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat nghĩa là cơ thể không đủ vitamin này, khiến cho nguyên bào hồng cầu chết đi. Nói cách khác, khi không có đủ B12, cơ thể sẽ thiếu máu do không tạo ra đủ hồng cầu.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat?

Các triệu chứng phổ biến của bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat là:

  • Mệt mỏi;
  • Khó thở;
  • Chóng mặt;
  • Da nhợt nhạt hoặc vàng da;
  • Nhịp tim không đều;
  • Sụt cân;
  • Tê hoặc ngứa ran ở bàn tay và bàn chân;
  • Yếu cơ;
  • Tính tình thay đổi;
  • Đi đứng mất thăng bằng;
  • Lú lẫn, hay quên.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây ra bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat?

Cơ thể hấp thụ không đủ B12 và folat là nguyên nhân chính của bệnh thiếu máu này, ví dụ:

  • Bạn bị thiếu máu nặng khi mà các tế bào chịu trách nhiệm hấp thụ vitamin B12 ở dạ dày bị chính hệ thống miễn dịch tấn công;
  • Bạn từng phẫu thuật cắt bỏ một phần của dạ dày hoặc phần cuối của ruột non (hồi tràng). Trong đó gồm cả loại phẫu thuật để giúp những người béo phì giảm cân;
  • Bạn có bệnh lý đường tiêu hóa như bệnh tiêu chảy mỡ kéo dài (còn gọi là bệnh celiac), bệnh Crohn, vi khuẩn phát triển trong ruột non hoặc nhiễm ký sinh trùng.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat?

Vitamin B12 và thiếu máu do thiếu folat khá phổ biến. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat?

Đối với thiếu máu do thiếu folat:

  • Bạn đang mang thai và chế độ ăn uống không đáp ứng được nhu cầu folat cao trong thai kỳ;
  • Bạn có vấn đề về đường ruột nên khó hấp thụ folat;
  • Bạn lạm dụng rượu hoặc đang sử dụng một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc chống động kinh, điều này cản trở sự hấp thụ folat;
  • Bạn đang chạy thận nhân tạo vì bị suy thận. Bạn hãy hỏi bác sĩ xem có cần axit folic bổ sung để ngăn chặn sự thiếu hụt hay không;
  • Bạn đang điều trị ung thư. Một số loại thuốc dùng để điều trị ung thư có thể gây trở ngại cho sự trao đổi folat trong cơ thể;
  • Bạn có chế độ ăn uống không cân bằng, thiếu trái cây tươi và rau quả hoặc ăn quá chín, điều này làm tăng nguy cơ bị thiếu máu do thiếu folat.

Đối với thiếu máu do thiếu vitamin B12 (thiếu máu ác tính):

  • Bạn không ăn thịt, các sản phẩm từ sữa và thực phẩm có chứa nhiều vitamin B12. Những người ăn chay không ăn các sản phẩm từ sữa và không ăn bất kỳ loại thực phẩm bắt nguồn từ động vậtcó nguy cơ mắc bệnh này;
  • Bạn bị bệnh đường ruột hoặc vi khuẩn phát triển bất thường trong dạ dày hoặc đã cắt đi một phần ruột hay dạ dày;
  • Bạn thiếu yếu tố nội tại, đây là một protein được tiết ra bởi dạ dày, protein này cần thiết cho sự hấp thụ vitamin B12. Thiếu yếu tố nội tại có thể là do một phản ứng tự miễn dịch hoặc do di truyền;
  • Bạn đang sử dụng một số thuốc. Thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm proton (như Omeprazole) và một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2 có thể ngăn cản sự hấp thụ vitamin B12;
  • Bạn bị bệnh rối loạn tự miễn dịch. Những người bị rối loạn tự miễn dịch liên quan đến nội tiết, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tuyến giáp có nguy cơ cao mắc bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 loại đặc biệt (thiếu máu ác tính).

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat?

Các bác sĩ sẽ chẩn đoán thiếu máu do thiếu vitamin từ các triệu chứng và kết quả cận lâm sàng. Công thức máu rất có ích trong việc xác định xem bạn có bị mắc bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat?

Trong hầu hết các trường hợp thiếu hụt vitamin B12 và folat, bệnh nhân thường được chỉ định tiêm bổ sung hoặc uống thuốc viên để thay cho lượng vitamin bị thiếu hụt.

Lúc đầu, vitamin B12 bổ sung thường được dùng bằng đường tiêm. Sau đó, bác sĩ sẽ xem xét tình trạng và sẽ có hướng điều trị tiếp theo sau đó. Bác sĩ có thể sẽ cho bạn uống B12 giữa các bữa ăn hoặc là tiêm thường xuyên hay chỉ đơn giản là áp dụng chế độ ăn uống cân bằng tốt hơn.

Viên nén axit folic được sử dụng để phục hồi lại mức folat. Phương pháp điều trị thường kéo dài trong 4 tháng.

Bạn nên nhớ rằng chế độ ăn uống cân bằng cũng đóng vai trò trong điều trị và phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh thiếu máu do thiếu vitamin B12 và folat?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng một chế độ ăn uống lành mạnh:

  • Các thực phẩm giàu folat, ví dụ như các loại rau xanh, quả hạch, các sản phẩm ngũ cốc đa dạng, chẳng hạn như bánh mì, ngũ cốc, mì ống và gạo, trái cây và nước ép trái cây;
  • Các thực phẩm giàu vitamin B12, ví dụ như trứng, những thực phẩm giàu năng lượng như ngũ cốc, sữa, pho mát, sữa chua, thịt đỏ, thịt trắng, hải sản.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

>>>>>Xem thêm: Cách nhận biết viêm da cơ địa bội nhiễm và phòng ngừa bệnh tái phát

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *