Khó thở là triệu chứng rất phổ biến trong nhiều bệnh mạn tính, đặc biệt là bệnh về phổi. Tình trạng này khiến bệnh nhân rất mệt mỏi và lo sợ. May mắn thay, hiện nay, có rất nhiều phương pháp để giúp bạn có thể thở tốt hơn. Thở máy không xâm nhập là một trong những liệu pháp được sử dụng rộng rãi, được áp dụng trong bệnh viện hoặc ngay tại nhà.
Bạn đang đọc: Thở máy không xâm nhập là gì? Những lưu ý trong quy trình thực hiện
Mời bạn cùng Kenshin tìm hiểu kỹ hơn về phương pháp thở máy không xâm nhập và quy trình thực hiện như thế nào trong bài viết ngay sau đây nhé!
Tìm hiểu chung
Thở máy không xâm nhập là gì?
Thở máy không xâm nhập hay thở máy qua mặt nạ là phương pháp thở bằng máy mà không cần tiến hành đặt nội khí quản hay mở khí quản. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ thở tự nhiên nhưng bị đặt một áp lực dương trong suốt chu kỳ hô hấp.
Thở máy không xâm nhập bao gồm 2 loại:
- Máy thở BiPAP có hai mức áp lực dương, thay đổi giữa thì hít vào và thì thở ra.
- Máy thở CPAP chỉ tạo một mức áp lực dương liên tục khi bơm không khí.
Áp lực này sẽ giúp nở phổi, cải thiện trao đổi khí, đảm bảo người sử dụng có thể thở đúng cách, nhận đủ lượng oxy cần thiết, cải thiện mức độ oxy trong máu, giảm lượng carbon dioxide. Từ đó giải quyết tình trạng khó thở.
Các loại máy thở không xâm nhập BiPAP và máy thở CPAP đều có kích thước nhỏ gọn, dễ sử dụng ngay tại nhà, hiệu quả tốt và chi phí thấp.
Khi nào cần tiến hành?
Thở máy không xâm nhập là một trong những phương pháp điều trị phổ biến nhất cho chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chỉ định thở máy không xâm nhập khi mắc phải một số bệnh lý gây suy hô hấp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng có thể kể đến như:
- Suy hô hấp trong đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Phù phổi cấp do suy tim sung huyết
- Hội chứng giảm thông khí do béo phì
- Viêm phổi
- Bệnh hen suyễn bùng phát
- Thở kém sau khi phẫu thuật
- Đợt cấp của bệnh rối loạn thần kinh – cơ làm rối loạn nhịp thở
- Suy hô hấp, giảm oxy máu ở bệnh nhân có suy giảm miễn dịch
Khi áp dụng chế độ thở này bắt buộc bệnh nhân phải tỉnh táo và cơ hô hấp còn hoạt động. Lựa chọn phương pháp này sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng và tác dụng phụ không mong muốn so với việc đặt nội khí quản hoặc mở khí quản.
Trong một số trường hợp, thở máy không xâm nhập có thể là phương pháp được sử dụng ngay sau khi rút nội khí quản sớm, để bệnh nhân vẫn hô hấp được bình thường trước khi cai máy thở hoàn toàn. Những người không muốn đặt ống thở nhưng muốn được hỗ trợ thở cũng có thể sử dụng phương pháp này.
Những ai không được thở máy không xâm nhập?
Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị khó thở nghiêm trọng, suy giảm ý thức hoặc khó nuốt, thở máy không xâm nhập có thể không phù hợp.
Phương pháp này chống chỉ định trong các trường hợp sau đây:
- Ngừng tim, ngừng thở.
- Gặp một số bất ổn về nội khoa như thiếu máu cơ tim hay rối loạn nhịp tim không kiểm soát được.
- Không tự bảo vệ được đường thở, tổn thương cơ chế ho, không khạc đàm được, khó nuốt và có nguy cơ hít cao.
- Tăng tiết dịch nhiều.
- Bệnh nhân khó chịu và không hợp tác với máy thở.
Thay vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng máy thở xâm nhập, đưa ống thở trực tiếp xuống cổ họng (mở khí quản hoặc đặt nội khí quản).
Thận trọng
Những rủi ro khi tiến hành thở máy không xâm nhập
Tìm hiểu thêm: Sự phát triển của thai nhi 35 tuần – Những thay đổi, lưu ý mẹ cần biết
Thở máy không xâm nhập thường rất an toàn và có ít tác dụng phụ, giảm nguy cơ biến chứng hơn so với thủ thuật đặt nội khí quản hay mở khí quản. Hầu hết các vấn đề xảy ra đều do vấn đề từ mặt nạ. Cụ thể như sau:
- Tổn thương hoặc bị kích ứng da do mặt nạ, khó chịu: đổi mặt nạ hoặc chỉnh dây đai
- Đầy bụng nhẹ: dùng thuốc simethacone và giảm áp lực máy nếu bệnh nhân chịu đáp ứng
- Khô miệng, khô mũi: nhỏ nước muối sinh lý, tăng thêm độ ẩm, kiểm tra giảm rò khí
- Sung huyết mũi: dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), thuốc chống dị ứng kháng histamin để chống phù nề
- Loét cánh mũi: nới lỏng dây đai, thay mặt nạ mới
- Da nổi mụn trứng cá: bôi kháng sinh tại chỗ
- Mặt nạ có thể bị rò rỉ làm giảm áp lực: khuyên bệnh nhân ngậm chặt miệng, buộc dây đai ở cằm và đổi sang mặt nạ trùm cả mũi và miệng
- Kích ứng mắt gây đỏ: điều chỉnh dây đai và chọn mặt nạ thích hợp
- Đau xoang hoặc tai: giảm áp lực máy
- Chứng lo sợ bị giam giữ Claustrophobia: dùng mặt nạ nhỏ hơn và kê thuốc an thần.
Ngoài ra, những biến chứng lớn hiếm gặp bao gồm viêm phổi hít, giảm huyết áp, khí phế thũng. Lúc này, bác sĩ sẽ hướng dẫn giảm áp lực khí, bỏ thở máy hoặc đặt dẫn lưu màng phổi tùy từng trường hợp cụ thể.
Để giảm nguy cơ viêm phổi hít, nếu tiến hành tại nhà, bạn sẽ cần làm sạch mặt nạ và ống dẫn thường xuyên. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong quá trình sử dụng.
Quy trình tiến hành
Chuẩn bị gì trước khi tiến hành?
Trước khi tiến hành thở máy không xâm nhập, cả người chăm sóc và bệnh nhân nên làm quen với các bộ phận của máy thở. Các bộ phận của máy thở BiPAP và CPAP bao gồm: động cơ thổi khí vào ống, đường ống kết nối động cơ của máy với mặt nạ, mặt nạ dạng trùm mũi hoặc trùm cả mũi – miệng của bệnh nhân. Hãy xem xét kỹ tất cả các bộ phận, cách nối chúng khớp với nhau và hiểu hoạt động của máy.
Khi mua máy sử dụng tại nhà, bạn có thể nhờ người bán thiết bị y tế tư vấn để chọn loại máy phù hợp và hướng dẫn rõ ràng về cách sử dụng, tần suất làm sạch các bộ phận của máy. Ngoài ra, hãy thử và chọn ra loại mặt nạ có kích thước phù hợp.
Trước khi tiến hành phương pháp thở máy không xâm nhập, máy thở BiPAP hoặc CPAP, cần phải hiệu chỉnh áp lực của máy. Điều này cần bác sĩ chuyên khoa hô hấp, y tá hướng dẫn thực hiện. Bác sĩ sẽ đề ra các thông số cụ thể của máy, phù hợp với từng tình trạng bệnh khác nhau.
>>>>>Xem thêm: Hiểu biết về ketone để ngừa bệnh tiểu đường
Quá trình thở máy không xâm nhập diễn ra như thế nào?
Dù sử dụng tại nhà hay được chỉ định tại bệnh viện thì hãy tuân theo chỉ định của bác sĩ về thời điểm cần tiến hành. Có những người chỉ cần thở máy trong một khoảng thời gian nhất định, hoặc khi có triệu chứng thì người khác lại phải duy trì mọi lúc.
Trong quá trình thở máy, bệnh nhân sẽ phải đeo mặt nạ hoặc bịt mũi được kết nối với máy thở. Ban đầu, bạn có thể cảm thấy không thoải mái và lạ lẫm khi nhận được một luồng không khí khác đi vào phổi nhưng sẽ quen dần. Nếu bị khó thở, hãy nói ngay với nhân viên y tế hoặc người chăm sóc để điều chỉnh lại cài đặt áp suất trên máy.
Một điều quan trọng nữa là không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong khi thở máy không xâm nhập, bởi nguy cơ cao có thể hít phải thức ăn hoặc chất lỏng vào phổi.
Tiếng ồn từ hầu hết các máy thở đều rất nhẹ nhàng, vì vậy nếu nó kêu lớn thì hãy gọi nhân viên y tế kiểm tra lại. Nếu bạn bị khó ngủ vì âm thanh từ máy, nên thử sử dụng nút bịt tai để ngủ ngon giấc hơn.
Điều gì xảy ra sau khi tiến hành thở máy
Nếu các triệu chứng khó thở được cải thiện, bác sĩ sẽ giảm dần áp lực luồng khí trên máy hoặc giảm thời gian sử dụng máy thở trước khi ngừng hẳn.
Hy vọng thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về quy trình thở máy không xâm nhập và những lưu ý khi tiến hành phương pháp này ngay tại nhà nhé!