Thói quen ăn trộm đôi khi không phải xuất phát từ sự thiếu thốn về vật chất mà rất có thể là do… bệnh lý. Đây cũng được xem là một loại bệnh khá phổ biến mà không phải ai cũng biết đấy.
Bạn đang đọc: Thói quen ăn trộm cũng có thể là… bệnh lý
Ăn trộm là hành động lấy đi một thứ gì đó của người khác mà không được sự cho phép của người đó. Đây được coi là một hành vi trái với luật pháp, đạo đức và thường xảy ra khi một người gặp các rắc rối có liên quan đến kinh tế. Tuy nhiên, hành động ăn trộm nhiều khả năng cũng là kết quả của chứng rối loạn kiểm soát cảm xúc hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Nội Dung
Ăn trộm do bệnh lý
Ăn trộm do bệnh lý (kleptomania) có thể xem là một vấn đề về mặt tâm lý hơn là mong muốn tìm kiếm thứ gì đó có ý nghĩa về vật chất hay tài chính. Thế nên, kleptomania sẽ xuất hiện khi bạn thường xuyên không thể chống lại sự thôi thúc để ăn cắp.
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ thường lấy cắp những thứ mà họ không cần. Các món đồ bị lấy cắp thường có thể dễ dàng mua được và không có quá nhiều giá trị. Điều này không giống những trường hợp ăn trộm mang tính hình sự vì các vật dụng bị đánh cắp thường có giá trị kinh tế cao.
Người bệnh kleptomania thường bộc lộ cảm giác thôi thúc xen lẫn sự lo lắng, căng thẳng, hồi hộp trước khi đi đến hành vi trộm cắp. Sau đó, họ lại cảm thấy có lỗi, hối hận, nhưng vẫn không thể ngăn được sự thôi thúc trong tâm lý và vẫn tiếp tục ăn cắp ở những lần sau như một thói quen.
Bên cạnh trộm cắp bệnh lý, có nhiều yếu tố khác cũng tạo nên thói quen ăn trộm. Một số người trộm cắp vì lý do kinh tế khó khăn hay các vấn đề xã hội như cảm giác bị cô lập cũng có thể là nguyên nhân gây ra thói quen ăn trộm. Nhiều người cũng có thói quen ăn cắp để chống lại những người xung quanh do không nhận được sự tôn trọng.
Yếu tố nguy cơ dẫn đến ăn trộm bệnh lý
Các yếu tố nguy cơ gây ra chứng bệnh kleptomania có thể là:
• Bệnh về tâm thần: Bệnh rối loạn lưỡng cực (bệnh hưng – trầm cảm), rối loạn lo âu, rối loạn sử dụng chất gây nghiện, rối loạn nhân cách…
• Mức serotonin thấp: Đây là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng các hành vi bốc đồng và thiếu suy nghĩ.
• Rối loạn gây nghiện: Hành vi ăn cắp có thể giải phóng đột ngột hormone dopamine khiến nhiều người bị nghiện.
• Mất cân bằng trong não: Sự mất cân bằng trong hệ thống opioid của não sẽ thúc giục hành động ăn trộm xảy ra nhiều hơn.
• Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia định mắc chứng kleptomania hay nghiện ngập sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
• Phụ nữ: 2/3 số người được chẩn đoán bị kleptomania là nữ giới.
• Chấn thương đầu: Não bị chấn động nhiều khả năng sẽ gây ra các hành vi mất kiểm soát.
Chấn thương tâm lý, đặc biệt là chấn thương khi còn trẻ, có thể góp phần hình thành chứng ăn trộm do bệnh lý.
Ăn trộm ở trẻ em và người lớn
Hành vi ăn trộm ở trẻ em và người lớn có đôi chút khác biệt ở một số điểm như bên dưới:
Ở trẻ em
Hành vi trộm cắp ở trẻ em thường không phổ biến. Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, có thể có xu hướng lấy những món đồ khiến chúng bị kích thích. Do đó, khi nhận thấy trẻ có hành vi ăn cắp, bạn cần dạy bảo trẻ nhận thấy điều sai ngay để tránh tái phạm.
Ở một số trẻ lớn hơn, đôi khi trẻ thường nghĩ rằng ăn cắp là hành động chứng tỏ sự can đảm, hóm hỉnh hay để gây ấn tượng với bạn bè. Tình trạng ăn cắp kéo dài cho thấy các vấn đề về phát triển hành vi hoặc cảm xúc mà nguyên nhân thường là do cuộc sống gia đình không ổn định hoặc các yếu tố di truyền. Trẻ em ăn cắp thường gặp khó khăn trong việc kết bạn, duy trì mối quan hệ, khó gần gũi với người lớn và không tin tưởng người khác.
Trẻ em có thói quen trộm cắp thường gặp khó khăn khi tin tưởng người khác và có xu hướng hay đổ lỗi cho người khác.
Bạn có thể tìm hiểu thêm: Làm thế nào khi trẻ nói dối hoặc trộm cắp?
Ở người lớn
Người lớn thường có lý do ăn cắp khác biệt so với trẻ em vì người lớn có nhiều khả năng đánh cắp vật có giá trị cao hơn. Tình trạng này đa phần được coi là hành vi trộm cắp hình sự xuất phát từ sự thiếu thốn kinh tế. Kleptomania cũng là một nguyên nhân gây ra ăn cắp ở người lớn, khiến họ thực hiện các hành vi trộm cắp các đồ vật nhỏ, không mang tính giá trị cao hay thậm chí không có nhu cầu sử dụng. Nguyên nhân của tình trạng này là do rối loạn kiểm soát sự thôi thúc và bản thân người ăn cắp sẽ thường cảm thấy hối hận sau khi đã thực hiện hành vi sai trái.
Khi hành vi ăn trộm lặp lại nhiều lần mà bạn không cảm thấy tâm lý hối hận thì đây có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề khác như rắc rối gia đình hay các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Điều trị chứng ăn trộm do bệnh lý
Tìm hiểu thêm: 11 dụng cụ bảo vệ sức khỏe bạn không nên xem nhẹ
>>>>>Xem thêm: Tổng quan về các nhóm thuốc chống dị ứng và lưu ý khi sử dụng
Liệu pháp Nhận thức – Hành vi (CBT) thường được sử dụng để điều trị chứng bệnh kleptomania. Với cách điều trị này, bác sĩ trị liệu sẽ giúp người bệnh học cách ngăn chặn hành vi bất lợi và chú tâm nhận thức vấn đề gây ra bệnh. Trong liệu pháp nhận thức, bác sĩ sẽ thường sử dụng:
• Liệu pháp làm mất cảm thụ có hệ thống (systematic desensitization): Bạn sẽ học các kỹ thuật thư giãn để kiểm soát các cám dỗ dẫn đến hành vi ăn cắp.
• Liệu pháp chuyển đổi (covert sensitization): Cách này đòi hỏi bạn phải tưởng tượng là mình ăn cắp để biết rằng sau đó sẽ phải đối mặt với những hậu quả tiêu cực nếu bị phát hiện.
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giải quyết các rối loạn tâm thần hoặc bệnh tâm thần liên quan như trầm cảm hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Thuốc được kê đơn là chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc hoặc một loại thuốc opioid nhằm chống lại các chất hóa học có trong não gây ra sự thôi thúc ăn trộm.
Khi nhắc đến ăn trộm, nhiều người thường đưa ra các đánh giá liên quan đến hành vi và chuẩn mực đạo đức thay vì nghĩ đến các nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý. Dù lý do là gì đi chăng nữa thì thói quen ăn cắp cũng là hành động sai trái cần điều chỉnh kịp thời. Thế nên, bạn hãy sớm đến gặp bác sĩ để được điều trị sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nhé!
Minh Thư Kenshin.vn