Thực hành cách tắm cho bé trong bồn tắm lớn

Thực hành cách tắm cho bé trong bồn tắm lớn

Bạn đang đọc: Thực hành cách tắm cho bé trong bồn tắm lớn

Khi con đã lớn một chút, những chiếc thau không còn vừa với bé nữa. Lúc này, nếu nhà có bồn tắm, bạn hãy tham khảo cách tắm cho bé trong bồn tắm lớn nhé.

Khác với cách tắm cho trẻ sơ sinh, bé lớn hơn đã cứng cáp nên việc tắm cho bé có thể thay đổi. Tuy nhiên, việc cho bé tắm trong bồn tắm lớn có lẽ là viễn cảnh đáng sợ cho cả bạn và bé: bé sẽ giống như một con cá nhỏ được thả vào trong một cái hồ lớn. Nếu bạn biết cách ngăn ngừa những tai nạn xảy ra trong lúc tắm bồn và hiểu cách làm dịu nỗi sợ của bé, bồn tắm lớn sẽ nhanh chóng trở thành một nơi vui chơi lý tưởng khi bé 5 – 6 tháng tuổi và giờ tắm sẽ trở thành thời điểm yêu thích của cả nhà. Để đảm bảo rằng việc tắm cho bé diễn ra vui vẻ và thoải mái, bạn hãy thử những điều sau đây:

Để bé làm quen với bồn tắm

Khoảng một vài ngày trước khi tắm bồn lớn thực sự, bạn hãy cho bé tắm trong một cái bồn không chứa nước. Bằng cách này, bé sẽ không quá sợ hãi khi phải chứng kiến bồn tắm được đổ đầy nước và ngập khắp người bé.

Cho bé chơi trong bồn khô

Nếu có thể, hãy đặt bé vào một bồn tắm không chứa nước cùng một vài món đồ chơi. Bạn nên để bé đứng trên một cái khăn tắm lớn hoặc một chỗ ngồi vững chắc để giảm thiểu khả năng bé bị trượt ngã. Bằng cách này, bé có thể làm quen với bồn tắm và có thể bé sẽ tìm thấy niềm vui khi chơi đùa. Nếu phòng tắm nhà bạn gọn gàng, ấm áp và bé cảm thấy thoải mái khi không mặc quần áo, hãy để bé chơi trong đó. Nếu bé tỏ ra không thích, hãy mặc quần áo vào cho bé. Trong mọi trường hợp, chú ý không bao giờ để bé một mình trong bồn, dù chỉ là trong chốc lát.

Nhờ thêm người giúp đỡ

Trong lúc một người ôm giữ bé, người còn lại sẽ giả vờ tắm và chơi đùa với một con búp bê hay thú nhồi bông trong bồn tắm và nói cho bé nghe bằng cách mô tả mỗi bước thực hiện. Hãy làm mọi thứ trông như thể mọi người đang tham gia vào việc tắm của bé một cách vô cùng vui vẻ.

Tránh để bé bị lạnh

Bé thường không thích bị lạnh, vậy nên nếu bạn để bé cảm thấy lạnh trong khi tắm, bé sẽ dần trở nên ác cảm với việc tắm bồn. Vì vậy, hãy đảm bảo rằng phòng tắm luôn đủ ấm và khiến bé cảm thấy dễ chịu. Nếu phòng tắm chưa đủ nóng, bạn có thể làm ấm phòng bằng cách vào tắm nước nóng trước. Chỉ cởi quần áo cho bé khi bồn đã đầy nước và bạn đã thật sự sẵn sàng cho bé bước vào bồn. Bạn cũng nên chuẩn bị một cái khăn mềm và lớn để quấn bé lại ngay khi bạn nhấc bé khỏi nước tắm, bạn cũng nên trang bị mũ trùm đầu cho bé. Hãy lau khô bé thật kỹ và chắc chắn rằng bé đã ổn định trước khi cởi khăn quấn ra và mặc đồ vào cho bé.

Tạo nên niềm vui trong phòng tắm

Hãy biến phòng tắm thành một sân chơi để bé bị sao lãng trong khi tắm. Bạn có thể chọn những món đồ chơi được thiết kế đặc biệt cho việc tắm bồn như những món đồ chơi nổi trên mặt nước, sách ép nhựa dẻo hay các hộp nhựa với nhiều hình dạng và kích cỡ. Bạn nên làm sạch những đồ chơi còn dính nước khi tắm ít nhất một tuần một lần bằng hỗn hợp 1 phần chất tẩy chứa clo và 15 phần nước (để đảm bảo vệ sinh) nhằm giảm sự hình thành của vi khuẩn có thể gây bệnh lây nhiễm.

Để bé chơi trò té nước

Với hầu hết các bé, té nước là phần vui nhất trong lúc tắm. Bé càng làm bạn ướt nhiều thì càng cảm thấy thích thú. Nhưng bé lại không thích trở thành mục tiêu của trò chơi này. Rất nhiều bé trở nên ghét việc tắm bồn khi phải chơi trò té nước một mình.

Tắm chung với bé

Một vài trẻ sẽ dễ dạy bảo hơn nếu có người tắm cùng. Bạn có thể thử tắm cùng bé, nhưng phải điều chỉnh nước ở nhiệt độ thích hợp cho bé. Một khi bé đã quen với việc tắm hai người và không còn sợ tắm bồn nữa, bạn có thể thử để bé tắm một mình.

Không tắm sau khi ăn

Bạn không nên tắm cho trẻ ngay sau khi ăn, vì hoạt động nhiều sau ăn có thể gây nôn.

Không rút hết nước cho đến khi bé ra khỏi bồn tắm

Việc rút hết nước ra khỏi bồn không những có thể gây ra cảm giác lạnh mà còn có thể tạo ra cảm giác sợ hãi về tâm lý khi bé phải đứng một mình trong chiếc bồn trống rỗng. Tiếng ùng ục lúc bồn tắm rút nước cũng có thể làm trẻ hoảng sợ, thậm chí trẻ nhỏ và trẻ mới tập đi đều có thể có cảm giác sợ hãi rằng chính bé sẽ bị cuốn xuống dưới khi nhìn thấy dòng nước rút xuống ống dẫn.

Hãy kiên nhẫn

Không sớm thì muộn, rồi bé cũng sẽ dần quen với việc tắm bồn, vấn đề là bạn phải kiên nhẫn. Bé sẽ quen với việc tắm bồn nhanh hơn nếu bạn không tạo nên bất cứ áp lực nào cho bé.

>>>>>Xem thêm: Cấy mỡ trẻ hóa vùng mắt là gì? Giữ được bao lâu?

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *