Bạn đang đọc: Trẻ mắc bệnh động kinh có thể đi học không?
Bệnh động kinh có thể làm cho con bạn cảm thấy việc học ở trường trở nên khó khăn. Ví dụ, nếu con bạn lên cơn động kinh hoặc cần uống thuốc ngay lập tức khi lên cơn ở trường, điều này sẽ làm cho việc học của con bạn ở trường bị gián đoạn. Con bạn có thể không thể theo kịp chương trình học cùng lúc với các bạn cùng lớp và bị tụt lại đằng sau.
Nội Dung
Trẻ mắc bệnh động kinh gặp khó khăn nào khi đến lớp?
Một số vấn đề liên quan đến vấn đề học tập mà trẻ bị động kinh có thể gặp phải là:
- Vấn đề học thuật: khó đọc, viết, và tính toán;
- Chậm chạp: trẻ có thể mất một thời gian lâu hơn để xử lý các thông tin mới hoặc hoàn thành các bài tập so với những đứa trẻ khác;
- Trí nhớ: một đứa trẻ có thể học một chủ đề nhiều lần, nhưng lại không thể nhớ lại vào ngày hôm sau;
- Vấn đề ngôn ngữ: khó phát âm, nói và giao tiếp với người khác;
- Vấn đề về khả năng tập trung và chú ý của trẻ: trẻ có thể không chú ý, hiếu động, hoặc cả hai. Trẻ chỉ có thể tập trung trong một thời gian ngắn.
Ngoài khả năng việc học tập của trẻ sẽ bị gián đoạn, còn nhiều nguyên nhân khác liên quan đến động kinh làm ảnh hưởng đến việc học tập của trẻ, chất lượng giấc ngủ và thuốc mà trẻ uống khi bị bệnh. Bệnh có thể làm việc học của trẻ gián đoạn vài lần một ngày, từ ngày này sang ngày khác, hoặc thậm chí gián đoạn sau vài tiếng đồng hồ.
Não hoạt động bất thường làm trẻ co giật vào ban đêm hoặc ngủ kém ngon làm trẻ cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi đi học vào ngày hôm sau. Kết quả là trẻ ít tiếp thu bài và không có hứng thú đi học.
Các cơn co giật “vô hình’ thường xuyên xảy ra trong não suốt thời gian trẻ học ở trường có thể dẫn đến việc trẻ chậm xử lý, tổng hợp và nhớ lại các kiến thức vừa học.
Trẻ em mắc bệnh động kinh, đôi khi chỉ bị động kinh một lần trong ngày cũng đủ làm bộ nhớ của trẻ bị gián đoạn, khiến trẻ quên đi những gì chúng đã học. Trong một số trường hợp cụ thể, trẻ không thể nhớ được trước và sau khi bị động kinh đã xảy ra những việc gì.
Một số thuốc chống động kinh ví dụ như topiramate có thể làm chậm quá trình xử lý thông tin ở một số trẻ, trong khi các thuốc chống động kinh khác làm trẻ thấy mệt mỏi, không muốn tiếp thu kiến thức và bài giảng trên trường.
Bạn có thể làm gì để hỗ trợ việc học nếu con bị động kinh?
Việc can thiệp và điều trị sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong một số trường hợp, một bảng đánh giá về tâm lý hoặc bảng đánh giá về tâm thần kinh có thể giúp bạn xác định các vấn đề bất thường của con bạn và mức độ ảnh hưởng của nó đến cuộc sống con bạn, từ đó giúp cung cấp thêm thông tin để chẩn đoán và điều trị.
Trẻ em bị động kinh dễ gặp khó khăn trong việc học tập, thường đòi hỏi phải được học trong một môi trường học tập được thiết kế đặc biệt. Kinh nghiệm cho thấy rằng cách tốt nhất để dạy trẻ em bị suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung là giảng dạy trực tiếp, một thầy một trò.
Trong một số trường hợp, bạn có thể đề nghị cho con học các chương trình giáo dục đặc biệt. Thanh thiếu niên gặp phải nhiều vấn đề khi học tập có thể tham gia các chương trình hướng nghiệp hoặc giáo dục kỹ năng sống đặc biệt ở trường trung học phổ thông.
Bạn hãy nói chuyện với con về những khó khăn mà con gặp phải, những chuyện đã xảy ra ở trường. Bạn sẽ hiểu tình hình học tập ở trường của con, con cảm thấy như thế nào, và cuối cùng là làm thế nào bạn có thể giúp bé đối phó với những khó khăn đó. Bạn hãy cố gắng tìm hiểu và học hỏi thêm các kinh nghiệm và cách giải quyết các vấn đề cho con từ các bác sĩ, y tá điều trị bệnh động kinh của con bạn, nhân viên nhà trường, các tổ chức và các nhóm vận động hoạt động vì những bệnh nhân mắc chứng động kinh khác.
Tạo một môi trường hỗ trợ trong trường học với giáo viên và các bạn cùng lớp sẽ giúp cho việc học của con thoải mái và động lực học tập cho con.
Nếu con của bạn không nhận được các hỗ trợ cần thiết, bạn hãy nỗ lực và cố gắng tìm kiếm những nguồn hỗ tr, sự giúp đỡ cho con bạn.
Bạn nên thảo luận một số hoặc tất cả các điều sau đây với giáo viên của con:
- Lập ra các quy tắc và nội quy rõ ràng trong lớp học;
- Sắp xếp cho con bạn ngồi ở trên, gần phía trước bảng để giúp bé tập trung và tránh phân tâm;
- Cho con ít dạng bài tập cần phải viết nhiều;
- Tạo một thời gian biểu trực quan lịch học mỗi ngày để bé có thể tiện theo dõi;
- Sử dụng các phương pháp dạy học trực quan, như biểu đồ và hình minh họa, nếu con có các vấn đề về thị giác hoặc về thị giác – không gian;
- Để nhắc nhở trẻ tập trung vào một phần học cụ thể, giáo viên có thể chỉ vào các phần văn bản đang học hoặc che các phần không liên quan trên trang sách;
- Dạy trẻ thói quen “suy nghĩ kỹ trước khi hành động” để trẻ tự nhận thức và điều chỉnh hành vi của mình;
- Sử dụng các cách truyền tải và cách dạy dễ hiểu, đơn giản;
- Cho phép trẻ ghi âm các phần học trên lớp;
- Cho phép trẻ có thêm thời gian để làm bài kiểm tra, làm bài tập và trả bài trên lớp;
- Yêu cầu trẻ nhắc lại nội dung bài học để chắc chắn trẻ hiểu được bài;
- Xây dựng các bài giảng có lượng kiến thức vừa phải để trẻ tiếp nhận và ghi nhớ;
- Xây dựng một cơ chế học hỏi trong đó các học sinh cùng lớp có thể dạy và truyền đạt các bài học cho nhau;
- Có các lớp học đặc biệt cho trẻ;
- Quan sát và nói chuyện với trẻ về tình hình học tập và cảm giác của trẻ mỗi ngày;
- Sử dụng các từ hoặc cụm từ khóa để giúp trẻ dễ tập trung và ghi nhớ;
Ở nhà, bạn nên tạo ra một môi trường sử dụng nhiều ngôn ngữ và số. Đọc những câu chuyện, làm thơ, học đếm với con, làm bài tập toán và làm bài tập về nhà có thể hỗ trợ việc học tập của con. Anh chị em đang trong độ tuổi đến trường có thể giúp trẻ học bài. Giáo viên chủ nhiệm hoặc các thầy cô khác ở trường có thể giới thiệu các cách học và nguồn tài liệu học để con bạn học tại nhà.
Cuối cùng, bạn có thể giúp con bằng cách tìm ra một kỹ năng hoặc một sở thích mà con làm rất giỏi. Bạn hãy tập trung vào những việc mà con có thể làm được và làm rất giỏi và thường xuyên tạo cơ hội cho con thể hiện được khả năng của trẻ.
Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm: Giúp con bị bệnh nặng hòa nhập ở trường
>>>>>Xem thêm: Kiểm tra thính lực bằng nghiệm pháp Rinne và Weber