Tai biến mạch máu não hay còn gọi là đột quỵ là bệnh lý có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng và để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thế nhưng, đôi khi, bạn không thực sự gặp một cơn tai biến nặng mà chỉ bị tai biến mạch máu não thoáng qua với các triệu chứng chỉ xảy ra trong vài phút đến vài giờ. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không nên lơ là vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một cơn tai biến nặng hơn trong tương lai [4], [12].
Bạn đang đọc: Triệu chứng tai biến mạch máu não nhẹ: Đừng chủ quan xem thường!
Để hiểu thêm về bệnh lý tai biến mạch máu não thoáng qua hay còn gọi cơn thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ, bạn có thể tham khảo thêm thông tin được chia sẻ bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng ở video sau:
Nội Dung
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não, còn được gọi là đột quỵ, xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn hoặc khi một mạch máu trong não bị vỡ, khiến cho các phần của não bị tổn thương hoặc chết. Tình trạng này có thể gây tổn thương não, tàn tật suốt đời hoặc thậm chí tử vong [2].
Đột quỵ thường khởi phát đột ngột, tuy nhiên, có những trường hợp được cảnh báo trước bằng một cơn thiếu máu não thoáng qua (còn gọi là tai biến mạch máu não thoáng qua, một dạng đột quỵ nhẹ). Cơn thiếu máu não thoáng qua cũng được xem như một cơn tai biến nhưng được xếp ở mức độ nhẹ hơn [13].
Cụ thể, cơn thiếu máu não thoáng qua cũng là tình trạng xảy ra khi động mạch não bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, khác với đột quỵ, tình trạng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn như vài phút đến 1 giờ, hiếm khi kéo dài đến 24h giờ. Ngoài ra, tình trạng này cũng chưa gây tổn hại đến tế bào não, chưa gây liệt và cơ thể cũng có khả năng hồi phục hoàn toàn mà không để lại nhiều di chứng như tàn phế [12], [13].
Cần chú ý thêm rằng dù chưa để lại hậu quả nghiêm trọng nhưng đừng vì vậy mà bạn chủ quan, mất cảnh giác. Bởi tai biến mạch máu não thoáng qua có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm cho 1 cơn tai biến nặng hơn có thể xảy ra trong tương lai gần. Theo đó, nguy cơ đột quỵ trong vòng 90 ngày sau cơn tai biến mạch máu não thoáng qua có thể lên tới 17% [3].
Dịch tễ và gánh nặng của tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là vấn đề sức khỏe toàn cầu với khoảng 12,2 triệu ca mắc mới mỗi năm (theo thống kê của Hội đột quỵ Thế giới năm 2022) [1]. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc tai biến mạch máu não mỗi năm là 161 trên 100.000 người, ước tính số bệnh nhân mới mắc bệnh vào năm 2021 là 157.295 trên tổng dân số là 98,32 triệu người [5]. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đàn ông có nguy cơ bị tai biến cao hơn phụ nữ. Bên cạnh đó, nguy cơ đột quỵ cũng tăng dần theo tuổi tác, hiện độ tuổi trung bình người Việt Nam bị tai biến là khoảng 65 tuổi [1].
Tai biến mạch máu là bệnh lý nguy hiểm và hiện đang tạo ra gánh nặng lớn cho toàn xã hội. Bệnh lý này không chỉ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 sau bệnh lý tim mạch mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế trên thế giới [17]. Theo thống kê, có đến 80% bệnh nhân sau tai biến chịu những di chứng với tổn thương nặng nề, đặc biệt là các rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại; các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt, khó vận động, khó ăn uống… Trong đó, khoảng 30% trường hợp không thể phục hồi, dẫn tới việc chăm sóc người bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, thời gian chăm sóc càng dài cũng đồng nghĩa với việc gánh nặng kinh tế đối với gia đình người bệnh cũng càng cao [19].
Đặc biệt, kết quả thống kê cũng cho thấy số người mắc đột quỵ đang có xu hướng tăng nhanh và trẻ hoá qua các năm. Ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ đang có xu hướng gia tăng đáng báo động, chiếm khoảng 25% các ca đột quỵ [17]. Đây là 1 tình trạng rất đáng lo ngại bởi nếu không được cấp cứu kịp thời, đột quỵ sẽ để lại di chứng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến lao động chính của gia đình. Từ đó, tạo ra gánh nặng lớn về kinh tế cho gia đình và xã hội.
Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não [7], [14]
Cách dễ dàng nhất để mọi người có thể nhận biết các triệu chứng của đột quỵ là ghi nhớ quy tắc BEFAST, ghép từ các chữ cái viết tắt tiếng Anh đại diện cho những dấu hiệu sau:
- B – Balance (thăng bằng): Người bệnh đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
- E – Eye (mắt): Người bệnh bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt.
- F – Face (khuôn mặt): Méo miệng biểu hiện rõ nhất khi cười. Yêu cầu bệnh nhân mỉm cười và kiểm tra xem mặt có bị xệ xuống không.
- A – Arm (cánh tay): Yếu hoặc liệt một bên tay chân. Yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên cao để đánh giá xem bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không.
- S – Speech (ngôn ngữ): Rối loạn ngôn ngữ. Yêu cầu bệnh nhân lặp lại một cụm từ hoặc một câu. Đánh giá xem bệnh nhân có hiểu câu đó không? Có lặp lại được không? Giọng nói có bị đớ không?
- T – Time (thời gian): Khi đột ngột xuất hiện bất kỳ triệu chứng tai biến nào kể trên hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Tình trạng tai biến mạch máu não thoáng qua cũng có các triệu chứng như trên nhưng các dấu hiệu có thể chỉ kéo dài trong vài phút rồi biến mất. Tuy nhiên, nguy cơ tái phát đột quỵ sau đó vài ngày là rất cao và có khả năng diễn tiến nặng hơn những đợt trước. Do đó, bạn không nên chủ quan, lơ là, thay vào đó, hãy lập tức có biện pháp hành động ngay để dự phòng trước các cơn tai biến nặng hơn có thể xảy ra trong tương lai.
Nên làm gì và không nên làm gì khi người thân có dấu hiệu tai biến mạch máu não?
Thực hiện các bước sơ cứu đột quỵ đúng cách và kịp thời là vô cùng quan trọng nhằm tăng khả năng cứu sống người bệnh và giảm các biến chứng về sau. Đồng thời, việc này cũng giúp giảm bớt gánh nặng chăm sóc cho gia đình và xã hội. Để sơ cứu người bị tai biến, bạn nên chú ý đến những việc sau [8], [9]:
- Việc quan trọng nhất là xác định được các dấu hiệu tai biến theo nguyên tắc BEFAST, sau đó hãy nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu người bệnh còn tỉnh táo.
- Nếu bệnh nhân đã rơi vào trạng thái hôn mê, hãy cho người bệnh nằm nghiêng đầu về một phía và gọi ngay cấp cứu. Hãy chú ý cho bệnh nhân giữ nguyên tư này trong suốt quá trình chở đi cấp cứu.
- “Thời gian vàng” để kịp thời chữa trị là 4.5 giờ sau khi đột quỵ và có thể kéo dài đến 24 giờ đối với những trường hợp đột quỵ nặng, tắc mạch máu lớn. Tuy nhiên, cấp cứu càng nhanh hiệu quả càng cao và giảm tối thiểu biến chứng. Nếu được hãy ghi lại thời gian khi dấu hiệu tai biến đầu tiên xuất hiện, điều này sẽ rất hữu ích để giúp các bác sĩ có phương pháp cứu chữa kịp thời.
- Bệnh nhân mắc tai biến có thể không cần hồi sức tim phổi ngay tại chỗ, tuy nhiên nếu bạn nhận thấy người bệnh không thở hay mạch không còn đập, hãy thực hiện biện pháp hồi sức tim phổi (CPR) ngay nếu nắm rõ các kỹ thuật.
Bên cạnh đó, hãy hạn chế những hành động sau nếu không muốn gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh tai biến mạch máu não [8], [9]:
- Không chích máu, thoa dầu, cạo gió hoặc dùng các biện pháp gây ma sát lên da vì sẽ gây áp lực lên mạch máu, dễ làm người bệnh tăng huyết áp.
- Không nên đưa cho bệnh nhân bất kỳ thức ăn, nước uống hay loại thuốc nào khi chưa xác định được họ đang mắc loại đột quỵ gì.
- Hạn chế việc chở người mắc đột quỵ hoặc để người bệnh tự đến các cơ sở y tế nếu không phải bắt buộc. Thay vào đó, hãy gọi cấp cứu vì các nhân viên y tế sẽ có biện pháp đúng đắn để sơ cứu người bệnh trên đường đi, đảm bảo phần trăm cơ hội sống và hồi phục cao hơn.
- Nhiều trường hợp người bị tai biến cảm thấy mệt, buồn ngủ và đi ngủ thay vì gọi cấp cứu. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bị tai biến, cần gọi cấp cứu ngay hoặc đi khám bác sĩ chuyên khoa nếu nghi ngờ bị cơn tai biến mạch máu não thoáng qua.
Chẩn đoán và điều trị tai biến mạch máu não
Tìm hiểu thêm: Thiếu máu khi mang thai: Mẹ bầu thiếu máu có ảnh hưởng đến thai nhi?
>>>>>Xem thêm: Thận đa nang
Khi được đưa đến bệnh viện, điều đầu tiên mà bác sĩ làm là nhanh chóng xác định loại tai biến mà người bệnh đang gặp phải bằng cách chụp CT hay MRI não. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ sử dụng một số phương pháp xét nghiệm nhằm loại trừ một số nguyên nhân khác như u não hay do phản ứng với thuốc, sau đó mới đưa ra những phương án điều trị thích hợp. Nếu kết quả chẩn đoán cho thấy người bệnh bị tai biến do mạch máu não bị tắc nghẽn, các biện pháp chính trong điều trị sẽ là [15]:
- Điều trị tiêu sợi huyết
- Dùng thuốc chống kết tập tiểu
- Lấy huyết khối bằng dụng cụ trong lòng mạch.
Song song với việc điều trị, bác sĩ cũng sẽ đánh giá các yếu tố nguy cơ và đưa ra các biện pháp dự phòng tái phát ngay từ khi còn trong bệnh viện cho đến khi ra viện và kéo dài suốt về sau. Để dự phòng tái phát, bác sĩ có thể chỉ định nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, việc sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu là một trong những biện pháp quan trọng giúp người bệnh đột quỵ nhẹ có thể phòng ngừa được khả năng tiến triển nặng cũng như ngừa các cơn tai biến tái phát trong tương lai [18] .
Thuốc chống kết tập tiểu cầu là loại thuốc có tác dụng ức chế việc hình thành cục máu đông trong lòng mạch [15]. Đối với những bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ nhẹ, thuốc chống kết tập tiểu cầu sẽ giúp phòng tránh các biến cố do huyết khối xơ vữa động mạch, gây ra tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim và dẫn đến tử vong [16]. Tuy nhiên, việc sử dụng loại thuốc này có thể gây ra 1 số tác dụng phụ, do đó người bệnh cần tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn, hiệu quả [11].
Tóm lại, tai biến mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ cao dẫn đến tử vong và tàn tật. Do đó, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên dù chỉ là thoáng qua trong vài phút, bạn cũng đừng chủ quan, lơ là. Thay vào đó, hãy đi khám ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhằm tránh được nguy cơ tai biến nặng. Từ đó, giúp giảm bớt gánh nặng của tai biến lên gia đình và xã hội.
Mời bạn tham khảo thông tin đầy đủ hơn về tai biến mạch máu não thoáng qua, đột quỵ qua sự chia sẻ của Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Bá Thắng thông qua video sau: