Viêm họng do virus

Viêm họng do virus

Bạn đang đọc: Viêm họng do virus

Tìm hiểu chung

Viêm họng do virus là bệnh gì?

Viêm họng là tình trạng nhiễm trùng ở mặt sau của cổ họng. Bệnh thường được gọi đơn giản là “đau cổ họng”, là hiện tượng sưng, khó chịu, đau hoặc ngứa rát trong cổ họng tại và ngay dưới amidan.

Viêm họng do virus xảy ra một phần là do nhiễm virus, liên quan đến các cơ quan khác như phổi hoặc ruột.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm họng do virus là gì?

Các triệu chứng đi kèm viêm họng là khác nhau tùy thuộc vào điều kiện gây bệnh. Ngoài đau họng, khô rát họng hoặc ngứa rát, bệnh cúm hoặc cảm lạnh có thể gây ra:

  • Hắt xì;
  • Sổ mũi;
  • Đau đầu;
  • Ho;
  • Mệt mỏi;
  • Nhức mỏi cơ thể;
  • Ớn lạnh;
  • Sốt (sốt nhẹ kèm theo cảm lạnh và sốt cao kèm theo cảm cúm).

Ngoài đau cổ họng, các triệu chứng của bệnh bạch cầu đơn nhân bao gồm:

  • Hạch bạch huyết sưng lên;
  • Mệt mỏi nghiêm trọng;
  • Sốt;
  • Cơ bắp đau nhức;
  • Đau nhức khắp cơ thể;
  • Ăn mất ngon;
  • Phát ban.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần phải gặp bác sĩ?

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn. Cơ địa của mỗi người là khác nhau. Vì vậy hãy hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn được phương án thích hợp nhất.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân nào gây bệnh viêm họng do virus?

Một số virus có thể gây ra bệnh viêm họng do virus, bao gồm:

  • Rhinovirus: hơn 100 kiểu huyết thanh khác nhau của rhinovirus gây ra khoảng 20% các trường hợp viêm họng và 30-50% bệnh cảm lạnh thông thường. Những virus này xâm nhập vào cơ thể qua biểu mô lông ở đường mũi, gây phù và sung huyết niêm mạc mũi;
  • Adenovirus: ở trẻ em, adenovirus gây viêm họng không biến chứng (thường gặp nhất bởi các loại adenovirus thể 1-3 và 5) hoặc viêm họng – hạch. Sau này, bệnh đặc trưng bởi sốt, đau họng và viêm kết mạc;
  • Epstein-Barr: virus Epstein-Barr (EBV) là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm. EBV thường lây lan từ người lớn sang trẻ sơ sinh. Ở những người trẻ tuổi, EBV lây lan qua nước bọt và thông qua truyền máu nhưng hiếm gặp hơn;
  • Herpes simplex: virus Herpes simplex (HSV) loại 1 và 2 gây viêm lợi, viêm miệng và viêm họng;
  • Virus cúm: viêm họng xuất hiện ở khoảng 50% bệnh nhân mắc cúm A và tỷ lệ thấp hơn ở bệnh nhân mắc cúm B. Viêm họng nặng là tình trạng đặc biệt phổ biến ở những người mắc cúm A. Các virus cúm xâm nhập vào tế bào biểu mô đường hô hấp, gây hoại tử, ảnh hưởng đến người bị nhiễm khuẩn thứ phát. Cúm lây truyền qua những giọt khí dung;
  • Virus parainfluenza: viêm họng do loại virus parainfluenza thể 1-4 thường biểu hiện như hội chứng cảm lạnh thông thường. Virus parainfluenza thể 1 gây ra nhiễm trùng khi mắc bệnh, chủ yếu là vào cuối mùa thu hoặc mùa đông, trong khi tình trạng nhiễm loại virus parainfluenza thể 2 xảy ra không thường xuyên. Virus parainfluenza thể 3 gây ra nhiễm trùng có tính chất dịch hoặc không thường xuyên;
  • Coronavirus: viêm họng do coronavirus thường biểu hiện như cảm lạnh thông thường. Giống với cảm lạnh do rhinovirus, virus không xâm nhập niêm mạc đường hô hấp;
  • Enterovirus: các nhóm chính của enterovirus có thể gây viêm họng là virus coxsackieechovirus. Mặc dù, enterovirus được truyền chủ yếu qua đường phân-miệng, tuy nhiên một số chủng nhất định lây truyền qua không khí;
  • Virus hợp bào hô hấp: virus hợp bào hô hấp (RSV) lây truyền khi ho hoặc hắt hơi;
  • Cytomegalovirus: viêm nhiễm cytomegalovirus (CMV) do bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, trong sữa mẹ, lây nhiễm ở trong nhà trẻ hoặc chăm sóc trẻ nhỏ và do truyền máu;
  • Virus suy giảm miễn dịch của con người: viêm họng xuất hiện ở những bệnh nhân bị nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) như là một phần của hội chứng retrovirus cấp tính, bệnh bạch cầu đơn nhân là biểu hiện ban đầu của nhiễm HIV trong một nửa đến 2/3 những người gần đây bị nhiễm bệnh.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải bệnh viêm họng do virus?

Viêm họng do virus là tình trạng rất phổ biến và có thể ảnh hưởng đến bất kì ai ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy tham khảo bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị bệnh viêm họng do virus?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy mắc viêm họng do virus, chẳng hạn như:

  • Cảm lạnh và cúm mùa;
  • Có tiếp xúc với người bị viêm họng hoặc cảm lạnh;
  • Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá;
  • Nhiễm trùng xoang thường xuyên;
  • Dị ứng;
  • Ở nhà trẻ.

Điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của chuyên viên y tế, vậy nên tốt nhất là bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Những kĩ thuật y tế nào được dùng để chẩn đoán bệnh viêm họng do virus?

Bác sĩ thường chẩn đoán viêm họng bằng cách kiểm tra cổ họng của bạn. Bác sĩ sẽ lấy chất dịch từ cổ họng để xem vi khuẩn (như nhóm A Streptococcus hoặc liên cầu khuẩn) có phải là nguyên nhân gây ra viêm họng hay không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh viêm họng do virus?

Không có cách điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm họng do virus. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi lối sống và hành vi để làm giảm các triệu chứng.

Nếu nguyên nhân gây đau họng là do virus thì thuốc kháng sinh sẽ không có ích và bệnh sẽ tự biến mất trong vòng từ năm đến bảy ngày.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh viêm họng do virus?

Bạn sẽ có thể kiểm soát bệnh này nếu áp dụng các biện pháp sau:

  • Uống nhiều nước để tránh mất nước;
  • Uống canh ấm;
  • Súc miệng bằng nước muối ấm (1 muỗng cà phê muối với 236 ml nước ấm);
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm;
  • Nghỉ ngơi cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn.

Đối với cơn đau và sốt nhẹ, bạn nên xem xét dùng thuốc tự mua như acetaminophen (Tylenol®) hay ibuprofen (Advil®). Viên ngậm họng cũng có thể hữu ích trong việc làm dịu đau đớn và ngứa họng.

Liệu pháp thay thế đôi khi được dùng để điều trị viêm họng. Tuy nhiên, bạn nên liên hệ với bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tương tác với thuốc hoặc các biến chứng sức khỏe khác. Một số thảo dược thông dụng nhất bao gồm:

  • Cây kim ngân hoa;
  • Cam thảo;
  • Rễ cây thục quỳ;
  • Lá xô thơm;
  • Cây du.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi, xin vui lòng tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

>>>>>Xem thêm: Chế độ ăn uống lành mạnh là gì? Các lưu ý về chế độ ăn uống lành mạnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *