Viêm tai ngoài ác tính thường xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu. Đây là căn bệnh gây tổn thương mô nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Bạn đang đọc: Viêm tai ngoài ác tính: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm tai ngoài ác tính trong bài viết sau.
Nội Dung
Viêm tai ngoài ác tính là gì?
Viêm tai ngoài là một bệnh nhiễm trùng tai phổ biến. Trong một số trường hợp, viêm tai ngoài có thể lan rộng đến các mô xung quanh, bao gồm xương hàm, mặt và trở thành viêm tai ngoài ác tính.
Không giống như viêm tai ngoài thông thường, viêm tai ngoài ác tính không liên quan đến nước đọng lại trong ống tai. Bệnh thường do các vi khuẩn như pseudomonas aeruginosa và staphylococcus aureus gây ra. Bên cạnh đó, tiểu đường cũng là một yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng tai ngoài ác tính. Hơn 90% người mắc bệnh đều bị tiểu đường trước đó.
Nhiễm trùng tai ngoài ác tính nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân gây viêm tai ngoài ác tính
Trong đa số trường hợp, bệnh không phải là biến chứng của viêm tai ngoài thông thường. Theo Healthline, tình trạng này xảy ra khi bạn gặp các vấn đề sức khỏe khác như:
- Tiểu đường
- HIV
- AIDS
Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể tiến triển do hệ thống miễn dịch của bạn bị suy yếu khi đang điều trị hóa trị.
Nếu vi khuẩn xâm nhập khi hệ thống miễn dịch bị suy yếu, cơ thể bạn sẽ rất dễ bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể làm tổn thương mô ống tai và xương dưới đáy hộp sọ của bạn. Nếu nó không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến não, dây thần kinh sọ và các bộ phận khác của cơ thể.
Triệu chứng thường gặp của viêm tai ngoài ác tính
Các triệu chứng bệnh rất dễ nhận biết, bao gồm:
- Chảy dịch tai màu vàng hoặc xanh dai dẳng
- Tai có mùi hôi
- Đau tai nặng khi di chuyển đầu
- Mất thính lực
- Ngứa ngáy trong ống tai
- Sốt
- Nuốt khó
- Yếu cơ mặt
- Mất giọng hoặc viêm thanh quản
- Sưng và đỏ vùng da quanh tai
Tìm hiểu thêm: Tác dụng của nhân sâm: Liệu bạn đã biết hết?
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào, hãy liên hệ ngay với bác sĩ. Điều trị sớm sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của nhiễm trùng và hậu quả của nó.
Chẩn đoán viêm tai ngoài ác tính
Để xác định xem bạn có bị viêm tai ngoài ác tính hay không, bác sĩ sẽ thực hiện một bài kiểm tra thể chất. Bạn có thể cần trả lời một số câu hỏi về bệnh sử cá nhân. Điều này sẽ cho phép bác sĩ xác định các yếu tố có thể làm tổn hại hệ thống miễn dịch của bạn.
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra tai của bạn để xem có nhiễm trùng hay không. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra đầu và vùng sau tai. Nếu tai chảy dịch, bác sĩ có thể lấy mẫu để gửi đi phân tích ở phòng thí nghiệm. Điều này sẽ giúp xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Nếu bạn mắc phải chứng bệnh nghiêm trọng này, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm bổ sung để xem nhiễm trùng có lan rộng không. Các xét nghiệm này bao gồm:
- Khám hệ thần kinh
- Chụp CT đầu
- Chụp MRI đầu
- Xạ hình
Cách điều trị viêm tai ngoài ác tính
Kháng sinh
Bệnh thường được điều trị bằng kháng sinh. Bạn có thể phải dùng thuốc kháng sinh trong vài tháng. Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn có thể cần tiêm kháng sinh qua tĩnh mạch cánh tay. Bạn phải tiếp tục điều trị cho đến khi các xét nghiệm cho thấy nhiễm trùng đã biến mất.
Phẫu thuật
Bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện phẫu thuật nếu nhiễm trùng gây tổn thương mô nghiêm trọng. Phẫu thuật giúp loại bỏ các mô bị hỏng. Phẫu thuật chỉ được thực hiện sau khi nhiễm trùng đã được chữa khỏi.
>>>>>Xem thêm: Làm thế nào để kiểm tra mù màu? Nguyên nhân và cách nhận biết bệnh
Cách ngăn ngừa bệnh
Cách tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh nghiêm trọng này là điều trị triệt để nhiễm trùng tai ngoài. Bạn cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ và uống kháng sinh đúng liều.
Ngoài ra, nếu hệ thống miễn dịch của bạn yếu, bạn cần phải thực hiện các biện pháp để bảo vệ sức khỏe của mình.
Nếu bạn bị tiểu đường, bạn nên kiểm soát lượng đường trong máu nghiêm ngặt.
Nếu bạn bị nhiễm HIV, hãy tuân thủ việc điều trị và sử dụng thuốc để kiểm soát sự nhân lên của virus trong cơ thể. Bảo vệ sức khỏe là điều quan trọng cần làm để tăng cường hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Dung Nguyễn / Kenshin.vn