Bạn đang đọc: Viêm tĩnh mạch huyết khối
Nội Dung
Tìm hiểu chung
Viêm tĩnh mạch huyết khối là bệnh gì?
Viêm tĩnh mạch huyết khối hay còn gọi là viêm tĩnh mạch. Đây là tình trạng tĩnh mạch bị viêm và hình thành các khối máu đông. Khi viêm tĩnh mạch huyết khối xảy ra, sự lưu thông máu ở khu vực đó trở nên chậm lại và có thể hình thành những khối máu đông nhỏ trong tĩnh mạch. Tình trạng viêm nhiễm tĩnh mạch này có thể gây đau, đỏ và sưng vùng cánh tay hoặc chân bị ảnh hưởng. Tĩnh mạch chân bị ảnh hưởng nhiều hơn so với tĩnh mạch cánh tay hoặc cổ. Viêm tĩnh mạch huyết khối ở gần bề mặt da còn được gọi là viêm tắc tĩnh mạch nông.
Viêm tĩnh mạch không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, mối nguy hiểm lớn nhất từ bệnh này là những khối máu đông có thể đi đến tĩnh mạch sâu hơn trong cơ thể. Điều này có thể hình thành nên các khối máu đông lớn hơn ở trong tĩnh mạch sâu, gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng vì những khối máu đông nằm trong tĩnh mạch sâu có xu hướng vỡ ra và đi đến phổi, dẫn đến bệnh lý khác đe dọa tính mạng gọi là thuyên tắc phổi.
Triệu chứng thường gặp
Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm tĩnh mạch huyết khối là gì?
Các triệu chứng thông thường của bệnh là bị đỏ, sưng hoặc nóng ở vùng bị tổn thương. Viêm tắc tĩnh mạch nông sẽ gây ra cảm giác cứng, căng và đau ở vùng chân hoặc cánh tay. Ngoài ra, người bệnh còn có triệu chứng sốt.
Bạn có thể gặp các triệu chứng khác được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Nên gọi bác sĩ nếu bạn bị sưng, đỏ và đau chân – đặc biệt nếu bạn có một hay nhiều yếu tố nguy cơ của viêm tĩnh mạch huyết khối. Nếu bạn bị sưng, đau chân cùng với khó thở hay đau ngực tăng khi hít sâu, hãy đến phòng cấp cứu. Những dấu hiệu và triệu chứng này có thể là huyết khối tĩnh mạch sâu. Đó là tình trạng làm tăng nguy cơ cục máu đông bị bong ra và di chuyển theo tĩnh mạch để đến phổi.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra viêm tĩnh mạch huyết khối là gì?
Nguyên nhân gây viêm tĩnh mạch huyết khối là cục máu đông. Cục máu đông có thể hình thành do nhiều yếu tố – bất kỳ thứ gì cản trở sự tuần hoàn bình thường của dòng máu. Cục máu đông này có thể do các nguyên nhân:
- Chấn thương tĩnh mạch;
- Rối loạn đông máu di truyền;
- Bất động trong thời gian dài, chẳng hạn nằm viện.
Nguy cơ mắc phải
Những ai thường mắc viêm tĩnh mạch huyết khối?
Viêm tĩnh mạch huyết khối thường thấy ở những bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên. Phụ nữ mang thai cũng có thể bị viêm tĩnh mạch huyết khối trước hoặc ngay sau khi sinh con. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc viêm tĩnh mạch huyết khối?
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ của viêm tĩnh mạch huyết khối bao gồm
- Giãn tĩnh mạch ở chân;
- Tuổi lớn hơn 60;
- Bất động trong thời gian dài (như khi ngồi trên xe hoặc máy bay);
- Nằm liệt giường trong thời gian dài, đặc biệt là sau giai đoạn phẫu thuật, nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay chấn thương gãy chân;
- Được đặt máy tạo nhịp hay catheter (ống mềm, mỏng) bên trong tĩnh mạch vì mục đích điều trị bệnh lý, những thứ này có thể kích thích thành mạch và làm giảm lưu lượng máu;
- Hút thuốc;
- Mang thai hay vừa mới sinh làm tăng áp lực tĩnh mạch vùng chậu và ở chân;
- Sử dụng các loại thuốc ngừa thai hay liệu pháp thay thế hormone làm máu dễ đông hơn;
- Thừa cân;
- Bệnh nhân hoặc gia đình có tiền căn rối loạn đông máu;
- Bệnh nhân ung thư.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán viêm tĩnh mạch huyết khối?
Bác sĩ chẩn đoán bệnh bằng cách khám thực thể để tìm ra những vùng bị sưng đỏ và ghi nhận lại các triệu chứng. Nếu bác sĩ nghi ngờ có các cục máu đông trong tĩnh mạch sâu, bác sĩ sẽ yêu cầu siêu âm. Một xét nghiệm máu gọi là D-dimer cũng có thể được thực hiện để kiểm tra bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu. Xét nghiệm này không đặc hiệu cho viêm tĩnh mạch huyết khối nông.
Những phương pháp nào dùng để điều trị viêm tĩnh mạch huyết khối?
Điều trị viêm tắc tĩnh mạch nông liên quan đến việc nghỉ ngơi và chăm sóc chỉ bị ảnh hưởng. Có thể cần sử dụng vớ y tế. Vớ dành cho người bị giãn tĩnh mạch có thể được sử dụng để ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu. Bác sĩ cũng có thể chỉ định thuốc chống viêm để giúp giảm đau và giảm viêm. Các loại thuốc kháng sinh cũng có thể được chỉ định đối với tình trạng nhiễm trùng.
Bệnh nhân mắc viêm tĩnh mạch huyết khối thường thấy khá hơn sau 7 đến 10 ngày điều trị.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm tĩnh mạch huyết khối?
Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể được hạn chế nếu bạn:
- Ngưng hút thuốc;
- Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì;
- Đứng dậy đi lòng vòng hoặc duỗi chân nếu bạn ngồi trên xe hoặc máy bay trong thời gian dài.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.
>>>>>Xem thêm: Thai nhi 34 tuần: Bé phát triển thế nào, cơ thể mẹ thay đổi ra sao?