Chảy nước mũi (hay sổ mũi) là một hiện tượng hầu như ai cũng gặp. Sự “sụt sịt” này cũng là “bình thường thôi” khi mũi của chúng ta phản ứng lại một tác động nào đó bất lợi từ môi trường. Thông thường, sổ mũi chỉ “thoáng qua” và tự hết. Chưa có ai sổ mũi mà lại gây “mất nước” tới mức độ trụy tim mạch cả. Tuy nhiên, nếu sổ mũi một cách “bất thường” thì cũng cần phải lưu tâm vì đằng sau nó có thể có những tổn thương thực thể (viêm nhiễm, khối u, rò, dị hình cấu trúc, dị vật…), cần phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bạn đang đọc: 9+ cách làm ngưng chảy nước mũi hiệu quả ngay tại nhà
Trong bài viết sau, Kenshin.vn sẽ tổng hợp những nguyên do vì sao bạn bị chảy nước mũi. Đồng thời chỉ ra 9 cách hết sổ mũi, loại bỏ ngay tình trạng sụt sịt khó chịu. Hãy cùng tham khảo ngay nhé!
Nội Dung
- 1 Chảy nước mũi là gì? Vai trò của chất nhầy bên trong mũi
- 2 Vì sao bạn chảy nước mũi? 9 nguyên nhân phổ biến cần quan tâm
- 3 Chảy nước mũi có phải bị COVID-19?
- 4 Những triệu chứng nào khác có thể đi kèm với chảy nước mũi?
- 5 9+ cách làm ngưng chảy nước mũi tại nhà
- 5.1 Nghỉ ngơi và bù dịch đầy đủ
- 5.2 Uống trà nóng: Cách hết sổ mũi nhanh chóng
- 5.3 Xông hơi mặt
- 5.4 Vệ sinh mũi là cách để ngưng chảy nước mũi liên tục
- 5.5 Dùng bình xịt nước muối
- 5.6 Tắm nước nóng
- 5.7 Ăn đồ ăn cay
- 5.8 Sử dụng khăn mặt ẩm
- 5.9 Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm không khí
- 5.10 Cách chữa sổ mũi ở người bị viêm mũi dị ứng
- 6 Cách trị sổ mũi bằng thuốc và phẫu thuật
- 7 Bị chảy nước mũi – Khi nào bạn cần đi khám?
- 8 Ngăn ngừa sổ mũi như thế nào?
Chảy nước mũi là gì? Vai trò của chất nhầy bên trong mũi
Chảy nước mũi là hiện tượng dịch nhầy chảy ra phía trước cửa mũi hoặc chảy xuống phía sau của mũi họng mà chúng ta có thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được sự khó chịu của nó. Khi niêm mạc mũi xoang bị “kích động” bởi các tác nhân, dịch nhầy sẽ được tiết ra nhiều hơn, gây ra hiện tượng sổ mũi. Về đặc điểm, bạn có thể nhận thấy, ban đầu bạn bị chảy nước mũi trong suốt, loãng như nước. Nếu nó không tự hết, sau vài ngày dịch có thể trở nên đặc và đục hơn hoặc ngả dần sang màu vàng, xanh. Tuy nhiên, những “sắc màu” ấy cũng chưa đủ để khẳng định một cách chắc chắn rằng bạn đang bị nhiễm trùng mũi.
Dịch nhầy sinh lý là sản phẩm của tế bào tuyến tiết nhầy trong đường hô hấp và xoang mũi. Tế bào biểu mô hô hấp tạo thành hệ thống nhầy – lông chuyển. “Tấm thảm nhầy” bám trên bề mặt, được đẩy xuống dạ dày bởi lông chuyển ở phía dưới. Dịch nhầy chứa kháng thể và men ly giải, giúp bắt giữ và tiêu diệt các tác nhân gây hại, và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình trao đổi khí.
Vì sao bạn chảy nước mũi? 9 nguyên nhân phổ biến cần quan tâm
Khi bị chảy nước mũi, chắc hẳn bạn thường nghĩ đến chuyện mình bị cảm. Thế nhưng, thực tế là có khá nhiều nguyên nhân gây chảy nước mũi, kể cả chảy mũi đơn thuần hoặc chảy mũi kèm theo các triệu chứng khác và không phải lúc nào nó cũng là bệnh lý. Cụ thể bao gồm:
- Không khí hanh khô là một trong các nguyên nhân kích ứng niêm mạc mũi, làm tăng lưu lượng máu cũng như chất nhầy, hậu quả là bạn bị sụt sịt.
- Chảy nước mũi do cảm lạnh hoặc cảm cúm. Khi bạn bị cảm cúm, cảm lạnh, niêm mạc mũi có thể tăng tiết chất nhầy gây chảy mũi, viêm đỏ cửa mũi hoặc viêm rát họng. Nếu dịch ứ đọng nhiều, có thể gây viêm mủ. Các triệu chứng khác bao gồm nghẹt mũi, ho, sốt,…
- Viêm mũi dị ứng có nguy cơ xảy ra nếu bạn có cơ địa dị ứng tiếp xúc với mạt bụi, ấm mốc, phấn hoa, lông thú cưng. Một loạt các triệu chứng có thể gồm hắt xì, sổ mũi, nghẹt mũi,…
- Viêm mũi vận mạch cũng có thể gây chảy nước mũi liên tục. Tuy nó gây ra các triệu chứng như chảy mũi, hắt xì, nghẹt mũi… giống y chang như viêm mũi dị ứng nhưng nó không phải là dị ứng, không có phản ứng kháng nguyên kháng thể, không tìm ra được dị nguyên và các xét nghiệm chuyên biệt để xác định dị ứng thì đều… “âm tính”.
- Viêm mũi vận mạch thường “tự đến, tự đi” nhưng đôi khi nó cũng “lằng nhằng”, đòi hỏi phải có những can thiệp nhất định trong điều trị.
- Polyp mũi là những khối u lành tính, mềm, có hình dạng như giọt nước, hình thành từ lớp niêm mạc mũi và các xoang. Một số polyp mũi có thể gây các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy mũi, viêm xoang…
- Tình trạng nhầy tích tụ được bọc trong vỏ nang. Thuộc dạng u lành tính và khá hiếm gặp. Nếu để lâu, u phát triển lớn có thể gây biến dạng mặt. Những u hoặc nang kiểu này cũng gây ra chảy nước mũi nhưng thường ở một bên.
- Dị vật mắc kẹt trong mũi cũng có thể là nguyên nhân chảy nước mũi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ nếu dịch mũi hôi, lẫn máu thì cần phải đi khám ngay.
- Chảy nước mũi ở trẻ nhỏ còn có thể là do viêm quá phát amidan vòi (sùi vòm-VA).
- Phì đại cuốn mũi do niêm mạc bị thoái hóa, phù nề, gồ ghề, tăng thể tích, làm hẹp đường thở mũi, thậm chí chèn đẩy vào vách ngăn mũi, gây kích thích tăng tiết, chảy mũi.
Đôi khi chảy nước mũi liên tục không phải là triệu chứng bệnh lý nào đó mà chỉ là cơ chế phản xạ sinh lý tự nhiên của cơ thể. Chẳng hạn như khi bạn khóc, khi bị cay mắt khiến nước mắt từ tuyến lệ tuôn trào, chảy qua ống dẫn nước mắt (lệ đạo) để đổ vào ngách mũi dưới. Khi ăn những thức ăn có gia vị cay nồng, nóng như tiêu, ớt, mù tạt… thì những kích thích vị giác “bùng nổ” ấy cũng tạo phản xạ sinh ra cơn “đại hồng thủy” của mắt và mũi.
Chảy nước mũi có phải bị COVID-19?
Thời gian qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra thảm họa toàn cầu. Virus quái ác này luôn luôn biến đổi và các triệu chứng của bệnh cũng biến đổi theo. Có một điều “tệ hại” rằng, các biểu hiện triệu chứng của nó ngày càng giống với các bệnh hô hấp thông thường khác. Một số triệu chứng covid “đời đầu” bao gồm:
Thì nay nó trở nên tương tự như cảm cúm, cảm lạnh, thậm chí như một tình trạng viêm mũi dị ứng thông thường.
Những triệu chứng nào khác có thể đi kèm với chảy nước mũi?
Chảy nước mũi đôi khi là triệu chứng đơn lẻ nhưng trong phần lớn các trường hợp, thường đi kèm với các triệu chứng khác, thí dụ như:
- Sổ mũi kèm ho, đau họng: Tình trạng này xảy ra khi dịch nhầy từ mũi chảy xuống thành sau họng.
- Sổ mũi và nghẹt mũi thường đi kèm: Khi niêm mạc mũi bị sung huyết, phù nề sẽ gây tắc nghẽn đường thở mũi.
- Chảy nước mũi do cảm lạnh hoặc cảm cúm có thể kèm theo mệt mỏi, đau họng, ho, sốt.
- Chảy nước mũi do dị ứng có thể kèm theo hắt hơi, ngứa và chảy nước mắt.
9+ cách làm ngưng chảy nước mũi tại nhà
Tình trạng sổ mũi thông thường thì không cần điều trị, có thể tự khỏi. Bạn có thể lựa chọn cách khắc phục tại nhà. Các biện pháp này có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn trong khi chờ nó hết dần.
Tìm hiểu thêm: Lão hóa ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ như thế nào?
Như đã đề cập, người bị sổ mũi hiếm khi cần dùng đến thuốc kê toa. Thay vào đó, việc áp dụng các biện pháp sau đây có thể hữu ích:
Nghỉ ngơi và bù dịch đầy đủ
Khi bị chảy nước mũi liên tục, bệnh nhân nên được bù dịch đầy đủ, giúp dịch nhầy loãng hơn và dễ tống ra khỏi cơ thể. Nếu bệnh nhân bị mất nước, dịch nhầy có thể trở nên dính và đặc, dẫn đến tắc nghẽn. Bệnh nhân nên tránh dùng đồ uống có thể gây mất nước, như đồ uống chứa cồn và cà phê.
Uống trà nóng: Cách hết sổ mũi nhanh chóng
Uống trà nóng cũng có thể giúp ích cho tình trạng nghẹt mũi, sổ mũi. Thế nhưng, bạn cần ưu tiên chọn trà thảo mộc có tác dụng chống viêm, sung huyết nhẹ như trà cúc la mã, gừng, bạc hà, cây tầm ma,…
Xông hơi mặt
Xông hơi phần mặt bằng cách hít hơi nước nóng, tắm nước nóng có thể giúp giảm nghẹt mũi và chảy nước mũi. Kết quả từ một nghiên cứu năm 2015 đã cho thấy việc điều trị cảm lạnh bằng cách hít vào hơi nước nóng có thể giúp rút ngắn giai đoạn hồi phục bệnh khoảng 1 tuần.
Vệ sinh mũi là cách để ngưng chảy nước mũi liên tục
Rửa mũi đúng cách giúp loại bỏ dịch nhầy dư thừa. Khi rửa mũi, bạn nên dùng nước muối sinh lý vô trùng để tránh bị kích thích thêm và để giảm nguy cơ nhiễm trùng mũi xoang. Khi dùng bình rửa mũi, bệnh nhân nên sử dụng nước cất hoặc nước vô trùng để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng xoang.
Dùng bình xịt nước muối
Bệnh nhân cũng có thể sử dụng bình xịt nước muối để giữ ẩm cho mũi và làm loãng dịch nhầy, tuy nhiên, không nên quá lạm dụng và dùng kéo dài.
Tắm nước nóng
Tắm nước nóng có hiệu quả giảm nghẹt mũi và sổ mũi tương tự như khi dùng trà nóng hay xông hơi mặt. Tuy nhiên khi tắm thì bạn không cho thêm dược liệu như xông hơi hay uống trà.
Ăn đồ ăn cay
Ăn thức ăn cay thường kích thích chảy nước mũi nhưng cũng có thể làm giảm nghẹt mũi trong một số trường hợp.
Sử dụng khăn mặt ẩm
Bệnh nhân có thể đặt khăn mặt ẩm lên mặt vài lần mỗi ngày, giúp làm dịu cơn đau ở xoang và làm loãng dịch nhầy.
Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm không khí
Sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm trong phòng, làm cho không khí bớt hanh khô, qua đó làm “dịu” lại niêm mạc mũi và tạo điều kiện cho niêm mạc mũi tống xuất dịch ứ đọng.
Cách chữa sổ mũi ở người bị viêm mũi dị ứng
Đối với những người bị viêm mũi dị ứng thì cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên như:
- Hạn chế nguy cơ tiếp xúc phấn hoa bằng cách ở trong nhà nhiều hơn, đóng cửa sổ, tránh các hoạt động ngoài trời.
- Đeo khẩu trang chống bụi nếu phải làm việc hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời.
- Tránh tiếp xúc với vật nuôi nếu bạn dị ứng nước miếng dính trên lông của chúng.
- Mang theo các loại thuốc được bác sĩ kê toa như thuốc xịt mũi steroid hoặc thuốc kháng histamine để dùng khi cần thiết.
Cách trị sổ mũi bằng thuốc và phẫu thuật
Đối với các trường hợp cần điều trị bằng thuốc thì tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác có thể kê đơn thuốc phù hợp. Nếu bạn bị viêm mũi xoang do vi khuẩn, sẽ cần dùng đến kháng sinh. Nếu do virus, chẳng hạn như cảm lạnh, cảm cúm thông thường thì chỉ cần dùng thuốc chữa triệu chứng và chỉ dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn. Trong một số thể loại cúm đặc biệt, đe dọa biến chứng nguy hiểm thì sẽ phải dùng đến những thuốc kháng virus đặc hiệu.
Những trường hợp như viêm mũi xoang mạn tính, thoái hóa niêm mạc, u hốc mũi, polyp mũi, lệch vách ngăn mũi, V.A ở trẻ… gây tắc nghẽn đường thở mũi thì có thể phải phẫu thuật để giải quyết.
Bị chảy nước mũi – Khi nào bạn cần đi khám?
>>>>>Xem thêm: Trẻ bị trật khớp vai: Xử lý nhanh kẻo hại!
Như đã đề cập, chảy mũi “qua loa” thường tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, khi thấy nó “không bình thường” thì bạn cần phải đi khám ngay, thí dụ:
- Sổ mũi kéo dài hơn 10 ngày và không có dấu hiệu cải thiện
- Có thêm các triệu chứng nghiêm trọng hoặc bất thường khác, chẳng hạn như kèm với sốt, đau vùng mặt.
- Đối với trẻ nhỏ, khi thấy các dấu hiệu như mũi chảy dịch nhầy một bên, dịch có mủ máu, mùi hôi thì cần đưa trẻ đi khám để “truy tìm kho báu” mà trẻ lỡ “cất giấu” trong đó.
Ngăn ngừa sổ mũi như thế nào?
Vì sổ mũi thường liên quan tới các bệnh truyền nhiễm về hô hấp, cho nên, để “phòng thủ”, nên “nghiêm chỉnh chấp hành” những điều sau:
- Đeo khẩu trang ở những nơi đông người
- Rửa tay khử khuẩn thường xuyên
- Tập thói quen dùng khuỷu tay che lại khi ho hoặc hắt hơi
- Vứt bỏ khăn giấy đã sử dụng sau khi xì mũi hoặc lau mũi vào đúng chỗ, không xả bừa bãi
- Tránh tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh, cảm cúm…
- Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để tăng cường hệ miễn dịch
- Thường xuyên khử trùng các bề mặt chung như bàn, ghế, đồ chơi của trẻ em, tay nắm cửa…
Chảy nước mũi (sổ mũi) là triệu chứng rất phổ biến ở mọi độ tuổi. Mặc dù thông thường thì nó chỉ gây một chút khó chịu và không đáng lo ngại nhưng cần lưu ý là nó có thể là biểu hiện của một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bạn cần phải có kiến thức để tự bảo vệ mình cũng như bảo vệ cộng đồng.