Biếng ăn tâm lý ở trẻ là một dạng rối loạn ăn uống khiến trẻ bị ám ảnh về cân nặng, hình thể của bản thân và lượng thức ăn tiêu thụ mỗi ngày. Tình trạng này ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần và thể chất của bé.
Bạn đang đọc: Biếng ăn tâm lý ở trẻ: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Để nhận biết liệu bé đang bị biếng ăn tâm lý hay bệnh lý, cũng như hiểu được nguyên nhân và cách chữa biếng ăn tâm lý ở trẻ, mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Kenshin.
Nội Dung
Biếng ăn tâm lý ở trẻ em là gì?
Biếng ăn tâm lý, còn gọi là chán ăn thần kinh (Anorexia Nervosa) là một dạng của rối loạn ăn uống gây ra hành vi ăn uống không lành mạnh. Tình trạng này được xác định bằng việc trẻ không chịu ăn hoặc sợ ăn uống vì một nỗi sợ nào đó. Từ đó, lượng thức ăn và chất dinh dưỡng nạp vào cơ thể so với nhu cầu là không đủ và đây là một hình thức tự bỏ ăn.
Trẻ bị biếng ăn tâm lý có nỗi sợ hãi về việc tăng cân cũng như nhận thức và cảm nhận sai lệch về ngoại hình, cơ thể. Các bé cho rằng bản thân đang bị thừa cân, béo phì ngay cả khi thực tế không phải vậy.
Biếng ăn tâm lý ở trẻ không chỉ khiến bé hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn nạp vào, mà còn có thể dẫn đến những hành vi khác khiến trẻ không thể tăng cân. Thông thường, người bệnh không thể nhận ra được mức độ nghiêm trọng của tình trạng biếng ăn tâm lý, khiến trọng lượng cơ thể thấp đáng kể.
Mặc dù biếng ăn tâm lý phổ biến ở các bé gái tuổi teen và nữ giới ở độ tuổi 20, nhưng tất cả những người trẻ tuổi đều có nguy cơ mắc bệnh. Thậm chí, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tuổi cũng có thể bị biếng ăn tâm lý. Tuy nhiên, tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khác với chứng biếng ăn tâm lý do sợ tăng cân ở người lớn và thanh thiếu niên.
Có 2 dạng biến ăn tâm lý:
- Loại hạn chế (restrictor): Trẻ tự hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn tiêu thụ, thường là các loại thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo. Một số trẻ tăng cường tập thể dục quá mức trong thời gian dài.
- Loại bulimic – rối loạn cuồng ăn/tự đào thải thức ăn (binging and purging): Trẻ mắc chứng cuồng ăn quá nhiều, sau đó tự gây nôn hoặc sử dụng một lượng lớn thuốc nhuận tràng hay các loại thuốc khác để làm sạch ruột.
Biếng ăn tâm lý ở trẻ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Chán ăn tâm thần là 1 trong những bệnh lý có tỉ lệ tử vong cao nhất. Vì vậy, điều quan trọng là bố mẹ phải xem xét nghiêm túc mọi triệu chứng và dấu hiệu trẻ biếng ăn tâm lý.
Cần phân biệt rõ biếng ăn tâm lý ở trẻ với biếng ăn bệnh lý. Biếng ăn bệnh lý xảy ra do trẻ mắc một căn bệnh nào đó khiến các bé chán ăn, chẳng hạn như đau răng, rối loạn tiêu hóa, nhiễm virus, vi khuẩn… Việc điều trị dứt điểm các bệnh lý mà bé mắc phải có thể giúp trẻ ăn uống bình thường trở lại.
Dấu hiệu nhận biết trẻ biếng ăn tâm lý
Khi mắc chứng biếng ăn tâm lý, trẻ thường có thói quen ăn uống khác thường để đối phó với những căng thẳng, lo lắng và sự tự ti của bản thân. Các bé thường hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhằm mang lại cảm giác kiểm soát được cuộc sống của bản thân.
Do đó, nếu cha mẹ nhận thấy bé hạn chế số lượng và loại thực phẩm ăn vào, đồng thời giảm cân hoặc tăng cân không hợp lý, thì rất có thể đó là tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ. Các triệu chứng và dấu hiệu trẻ biếng ăn tâm lý có thể khác nhau ở mỗi bé, và thường bao gồm:
- Có trọng lượng cơ thể thấp (mặc dù không phải tất cả trẻ biếng ăn tâm lý đều nhẹ cân)
- Lo sợ bản thân sẽ bị thừa cân, béo phì, ngay cả khi bé đang giảm cân
- Có cái nhìn lệch lạc về cân nặng, kích thước hoặc hình dáng cơ thể của bản thân. Ví dụ, trẻ thấy cơ thể quá béo, ngay cả khi rất nhẹ cân
- Từ chối duy trì trọng lượng cơ thể ở mức cân nặng thấp nhất trong giới hạn bình thường
- Bé gái biếng ăn tâm lý có thể bị trễ 3 kỳ kinh không rõ nguyên nhân
- Cố gắng hoạt động thể chất nhiều để tăng tốc độ giảm cân
- Phủ nhận cảm giác đói
- Bị ám ảnh bởi việc làm đồ ăn
- Nói rất nhiều về cân nặng, chế độ ăn kiêng và thực phẩm, chẳng hạn như cân đo đong đếm lượng calo hoặc kiểm soát khẩu phần ăn, tìm hiểu các phương pháp đào thải thức ăn (tự gây nôn hoặc sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc nhuận tràng…)
- Từ chối thức ăn hoặc từ chối ăn trước mặt người khác
- Có hành vi ăn uống kỳ lạ
- Thu mình với xã hội, sống khép kín, dễ cáu kỉnh, ủ rũ hoặc trầm cảm
Bên cạnh đó, biếng ăn tâm lý ở trẻ em cũng có thể dẫn đến các triệu chứng về thể chất, thường là do đói và suy dinh dưỡng, chẳng hạn như:
- Mất nước (môi nứt nẻ, mắt trũng sâu, tiểu ít, da rất khô…)
- Đau bụng
- Táo bón
- Hôn mê
- Chóng mặt
- Cực kỳ mệt mỏi
- Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh
- Gầy bất thường, trông hốc hác
- Mọc lông tơ mịn trên cơ thể
- Vàng da
- Tóc và móng dễ gãy
Các triệu chứng và dấu hiệu biếng ăn tâm lý ở trẻ có thể giống với các vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy, nếu bạn nhận thấy hoặc nghi ngờ trẻ bị chán ăn thần kinh, hãy đưa con đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trẻ biếng ăn tâm lý thường cảm thấy sợ hãi, bức bối, cáu kỉnh, khó chịu và phản ứng tiêu cực khi bị la mắng, thúc ép, buộc ăn nhiều.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây biếng ăn tâm lý ở trẻ
Nguyên nhân thật sự gây ra chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ vẫn chưa được hiểu rõ và đang được các chuyên gia sức khỏe nghiên cứu. Quan điểm hiện tại cho rằng tình trạng rối loạn ăn uống có thể là do sự kết hợp của các yếu tố sinh học, di truyền, tâm lý và xã hội.
Thông thường, chứng biếng ăn bắt đầu bằng việc ăn kiêng thường xuyên, sau đó dần dần chuyển sang giảm cân cực đoan và không lành mạnh.
Các yếu tố khác có thể góp phần dẫn đến biếng ăn tâm lý ở trẻ bao gồm:
- Thái độ của xã hội đối với ngoại hình cơ thể, chẳng hạn như sự miệt thị ngoại hình (body shaming) đối với người thừa cân, béo phì
- Ảnh hưởng từ gia đình về quan niệm gầy, béo
- Di truyền học
- Tình trạng mất cân bằng hóa học trong não
- Các vấn đề phát triển ở trẻ
Trẻ mắc chứng biếng ăn có nhiều khả năng có tiền sử gia đình về:
- Vấn đề về cân nặng
- Mắc một bệnh lý nào đó gây chán ăn
- Các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, ví dụ như trầm cảm hoặc lạm dụng chất kích thích…
Bên cạnh đó, có nhận định cho rằng, trẻ biếng ăn thường sống trong môi trường gia đình cứng nhắc và khắt khe. Cha mẹ có thể xâm phạm đời sống cá nhân và bảo vệ bé quá mức. Điều này có thể khiến trẻ bị phụ thuộc và chưa trưởng thành về mặt cảm xúc. Các bé có xu hướng tách mình ra khỏi những người xung quanh. Thậm chí, nhiều trẻ gặp phải các vấn đề sức khỏe tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn lo âu.
Đọc thêm
Nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và giải pháp khắc phục
Biến chứng do biếng ăn tâm lý ở trẻ gây ra
Tìm hiểu thêm: Nằm điều hòa bị khô mũi – 5 bí quyết “xoa dịu” mũi tại nhà hiệu quả
Theo thời gian, tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ em có thể dẫn đến các biến chứng về sức khỏe, bao gồm:
- Vô kinh (mất kinh nguyệt) và vô sinh ở bé gái: Trễ kinh là một trong những triệu chứng đặc trưng của chứng chán ăn ở bé gái. Tình trạng này thường xảy ra trước khi bé giảm cân nghiêm trọng.
- Thiếu máu: Khoảng ⅓ trẻ biếng ăn có số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu nhẹ).
- Mất xương hoặc xương yếu: Trẻ biếng ăn có nguy cơ giảm mô xương hoặc mất xương cao hơn, do đó mà dễ bị gãy xương. Điều này có thể do chế độ ăn uống không cung cấp đủ lượng canxi cần thiết cho cơ thể.
- Suy tim: Tổn thương tim có thể xảy ra do suy dinh dưỡng hoặc nôn mửa nhiều lần. Trẻ biếng ăn tâm lý có thể có nhịp tim chậm, nhanh hoặc không đều, và cũng có thể bị huyết áp thấp.
- Các biến chứng khác: Biếng ăn tâm lý ở trẻ còn có thể gây ra các biến chứng như hệ thống miễn dịch suy yếu, các vấn đề về thần kinh, hệ tiêu hóa hoạt động chậm, chức năng của thận bị suy giảm…
Nếu không được điều trị, suy dinh dưỡng do biếng ăn có thể dẫn đến tử vong. Các yếu tố tinh thần và cảm xúc liên quan đến chứng chán ăn cũng có thể dẫn đến tự sát.
Bạn có thể quan tâm:
Chẩn đoán trẻ chán ăn thần kinh
Để chẩn đoán chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ em, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và tiền sử bệnh của bé. Thông thường, bác sĩ sẽ đặt câu hỏi cho trẻ và cha mẹ về hành vi ăn uống và các chủ đề liên quan khác.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng tiến hành kiểm tra thể chất, xét nghiệm máu và nước tiểu để đảm bảo các triệu chứng của trẻ không phải do tình trạng khác gây ra. Trong một số trường hợp, các xét nghiệm bổ sung cũng có thể được thực hiện để kiểm tra các biến chứng liên quan đến chứng chán ăn.
Đoc thêm
Hỏi đáp Bác sĩ: Bé 1 tuổi không chịu ăn bất kỳ thứ gì phải làm sao?
Bé biếng ăn tâm lý phải làm sao?
Không ít cha mẹ thắc mắc: “Bé bị biếng ăn tâm lý phải làm sao?”. Thực tế, việc điều trị đúng cách chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ cần có sự trợ giúp chuyên môn từ đội ngũ chuyên gia đa ngành.
Đồng thời, sự hỗ trợ, động viên của cha mẹ cũng đóng vai trò tích cực trong quá trình điều trị cho bé. Do đó, phụ huynh nên đưa con đi khám nếu nghi ngờ hoặc nhận thấy những dấu hiệu biếng ăn tâm lý ở trẻ em.
Cách chữa biếng ăn tâm lý ở trẻ có thể bao gồm:
- Liệu pháp dinh dưỡng: Chuyên gia dinh dưỡng sẽ lập ra một kế hoạch ăn uống để giúp trẻ tăng cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Tư vấn: Một nhà trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần chuyên về rối loạn ăn uống sẽ nói chuyện với trẻ về những suy nghĩ và cảm xúc của bé nhằm nỗ lực thay đổi hành vi của con. Việc tư vấn có thể được tiến hành với sự có mặt của cha mẹ hoặc không.
- Dùng thuốc: Bác sĩ tâm thần có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm nếu trẻ cũng được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
- Nhập viện: Bé có thể phải nhập viện để được theo dõi và điều trị nếu có các biến chứng nghiêm trọng do biếng ăn tâm lý ở trẻ gây ra.
Quá trình phục hồi sau chứng biếng ăn tâm lý ở trẻ cần có thời gian và sự hỗ trợ đầy đủ từ những người thân yêu. Với tình yêu thương và sự hướng dẫn chu đáo của cha mẹ, trẻ bị biếng ăn tâm lý có thể bình phục.
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu trẻ biếng ăn tâm lý và điều trị kịp thời có thể làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, biếng ăn tâm lý ở trẻ em có thể tái phát.
Phòng ngừa biếng ăn tâm lý ở trẻ
>>>>>Xem thêm: Bệnh thiếu máu nhược sắc
Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ. Tuy nhiên, dựa trên các yếu tố nguy cơ khiến bé dễ bị chán ăn thần kinh, thì những lời khuyên sau đây có thể hữu ích trong việc hạn chế tình trạng này:
- Các thành viên trong gia đình nên có thái độ và hành động lành mạnh về cân nặng, ngoại hình, thức ăn và việc tập thể dục.
- Người lớn có thể giúp trẻ em và thanh thiếu niên tự tin hơn bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm động viên, khích lệ bé trong học tập, ủng hộ sở thích của con và tạo điều kiện cho trẻ tham gia các công việc tình nguyện.
- Cả trẻ và những người xung quanh nên hướng sự tập trung vào các hoạt động không liên quan đến vẻ ngoài của một người.
- Khuyến khích trẻ duy trì thói quen ăn uống lành mạnh và thái độ tích cực, suy nghĩ thực tế đối với cân nặng và chế độ ăn uống.
Tóm tắt
- Biếng ăn tâm lý ở trẻ là tình trạng nghiêm trọng ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của trẻ. Đây là một dạng rối loạn ăn uống được biểu hiện bằng việc tự bỏ đói.
- Sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ trẻ bị biếng ăn tâm lý, bao gồm: di truyền, sinh học, môi trường, hành vi, tâm lý và xã hội.
- Trẻ biếng ăn tâm lý thường có trọng lượng cơ thể thấp. Các bé có cái nhìn lệch lạc về cân nặng và ngoại hình cơ thể.
- Các triệu chứng thể chất có thể bao gồm da rất khô, đau bụng, táo bón… và có thể trở nên nghiêm trọng, đe dọa tính mạng.
- Cách chữa biếng ăn tâm lý ở trẻ có thể bao gồm trị liệu và phục hồi dinh dưỡng. Liệu pháp gia đình có thể là một phần quan trọng của quá trình điều trị.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng biếng ăn tâm lý ở trẻ. Điều quan trọng là phải kịp thời phát hiện những dấu hiệu trẻ biếng ăn tâm lý, từ đó đưa bé đi khám để được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Quá trình điều trị có thể thành công, nhưng cần có sự theo dõi nhất quán cho cả trẻ và các thành viên trong gia đình.