Các trường hợp được chỉ định chụp mạch vành

Các trường hợp được chỉ định chụp mạch vành

Các trường hợp được chỉ định chụp mạch vành

Chụp mạch vành (hay chụp động mạch vành) là một thủ thuật y tế quan trọng sử dụng chất cản quang dưới hướng dẫn của màn hình quang, nhằm phát hiện tổn thương trong hệ thống mạch máu nuôi tim. Khi mạch máu tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn, cơ tim sẽ không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng cần thiết, dẫn đến những cơn đau thắt ngực hoặc thậm chí là cơn đau tim nghiêm trọng. Việc chụp động mạch vành không chỉ giúp đánh giá tình trạng cụ thể bên trong mạch vành mà còn tạo điều kiện để can thiệp kịp thời. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về các trường hợp cụ thể được chỉ định chụp mạch vành, nhằm cung cấp thông tin hữu ích và cần thiết cho người đọc.

Bạn đang đọc: Các trường hợp được chỉ định chụp mạch vành

Tìm hiểu chung

Chụp mạch vành là gì?

Chụp mạch vành là một thủ thuật được xem là “tiêu chuẩn vàng” giúp nhìn thấy hình ảnh của toàn bộ hệ động mạch vành nhờ vào sự hỗ trợ của thuốc cản quang và màn hình huỳnh quang. Dựa trên hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ đánh giá các tổn thương đang có trong động mạch vành, như hẹp, tắc nghẽn, bóc tách, cục máu đông hay mảng xơ vữa… từ đó quyết định chiến lược xử trí phù hợp.

Để bơm thuốc cản quang vào trong hệ động mạch vành, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ qua vị trí ở động mạch quay ở cổ tay hoặc động mạch đùi ở bẹn. Sau đó, dưới hướng dẫn của màn hình quang, bác sĩ sẽ luồn ống thông đến động mạch chủ và vào hệ mạch vành tim. Cuối cùng, toàn bộ hình ảnh của động mạch vành sẽ thu được trên màn hình theo từng nhát bóp tim khi bơm thuốc cản quang. Nếu cần thiết, can thiệp bơm bóng để nong mạch kết hợp đặt ống thông (đặt stent) có thể được thực hiện ngay trong khi chụp động mạch vành.

Ngoài ra, hình ảnh mạch vành ở tim cũng có thể được thu nhận nhờ phương pháp chụp cắt lớp vi tính (chụp CT). Bài viết này chỉ đề cập đến kỹ thuật chụp mạch vành khi bơm thuốc cản quang trực tiếp vào động mạch vành qua ống thông mở đường vào động mạch ở cổ tay hay đùi.

Khi nào bạn được chỉ định chụp mạch vành?

Đây là một thủ thuật được dùng để chẩn đoán và có thể điều trị các bệnh về mạch vành, nhất là trong bệnh cảnh nhồi máu cơ tim cấp. Giá trị của chụp mạch vành là tiêu chuẩn tối ưu về vị trí và mức độ hẹp hay tắc nghẽn ở mạch vành. Từ đó, các phương thức điều trị phù hợp sẽ được đưa ra, như nong mạch (đặt stent), phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hay điều trị nội khoa.

Các trường hợp sẽ được chỉ định chụp động mạch vành là:

  • Nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên trên điện tâm đồ.
  • Đau ngực không ổn định kèm nhồi máu cơ tim không ST chênh lên.
  • Đau thắt ngực ổn định (chụp mạch vành lúc này nhằm xem xét có nên can thiệp hay không khi các xét nghiệm không xâm lấn cho thấy tổn thương có nguy cơ cao hoặc vùng thiếu máu cơ tim rộng hoặc điều trị tối ưu nội khoa nhưng chưa kiểm soát được triệu chứng).
  • Người bệnh có tiền căn bệnh mạch vành từng can thiệp đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu.
  • Kiểm tra trước khi phẫu thuật tim, mạch máu lớn ở người lớn tuổi (nam > 45 tuổi, nữ > 50 tuổi).
  • Kiểm tra trước những phẫu thuật ngoài tim ở người bệnh có bằng chứng bệnh mạch vành cần can thiệp.
  • Sau khi cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoài bệnh viện.
  • Đau ngực tái phát sau khi đã can thiệp động mạch vành hoặc sau phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – vành.
  • Suy tim không rõ nguyên nhân.
  • Kiểm tra bất thường động mạch vành sau khi phát hiện có bất thường trên hình chụp cắt lớp vi tính (CT) đa dãy động mạch vành.
  • Người có rối loạn nhịp tim nguy hiểm như nhịp nhanh thất, block nhĩ thất…
  • Một số trường hợp đặc biệt khác như nghề nghiệp, lối sống có nguy cơ bệnh mạch vành cao, kết hợp thăm dò khác…

Thận trọng

Những điều bạn cần biết trước khi chụp mạch vành

Quá trình chụp mạch vành có thể kéo dài 30 – 60 phút hoặc lâu hơn trong phòng can thiệp nội mạch chuyên dụng. Trong suốt quá trình này, bạn sẽ được theo dõi nhịp tim, điện tim trên monitor. Thủ thuật được thực hiện với sự gây tê tại chỗ (tại vị trí mở đường vào động mạch ở cổ tay hoặc đùi) và bạn vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình này. Nếu cảm thấy không khỏe hoặc khó chịu, hãy nói cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế ở gần nhất.

Nếu cần thực hiện thêm các thủ thuật khác như nong mạch và đặt stent, thời gian có thể sẽ kéo dài thêm.

Hầu hết các trường hợp đều không có chống chỉ định tuyệt đối với chụp mạch vành. Chỉ có một số ít trường hợp nên trì hoãn chỉ định này:

  • Người bệnh đang trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng, rối loạn huyết động
  • Có tiền sử sốc phản vệ với thuốc cản quang
  • Người bị suy thận nặng

Các biến chứng và tác dụng phụ từ chụp mạch vành

Chụp mạch vành có nguy hiểm không cũng là vấn đề mà nhiều người bệnh quan tâm. Thực tế, hầu hết các thủ thuật thực hiện trên tim và mạch máu đều ẩn chứa những rủi ro có thể xảy ra. Tuy nhiên, các biến chứng nghiêm trọng rất hiếm gặp và quy trình chụp mạch vành khá an toàn nếu được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ nhiều kinh nghiệm.

Nhìn chung, nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng là khoảng 1/1.000 – 1/500. Một số rủi ro có khả năng xảy ra là:

  • Hạ huyết áp
  • Chèn ép tim
  • Rối loạn nhịp tim
  • Tổn thương trong lòng động mạch đưa ống thông vào
  • Đột quỵ
  • Đau tim
  • Dị ứng với thuốc cản quang hoặc thuốc khác được sử dụng trong quá trình thực hiện
  • Tổn thương thận do thuốc cản quang
  • Chảy máu, đau tại vị trí đặt ống thông mở đường vào động mạch
  • Nhiễm trùng
  • Hình thành cục máu đông.

Quy trình

Chuẩn bị trước khi chụp mạch vành

Các trường hợp được chỉ định chụp mạch vành

Trước khi tiến hành thủ thuật này, bác sĩ sẽ thăm hỏi về tiền sử bệnh của bạn, bao gồm tiền sử dị ứng và các thuốc đã/ đang dùng. Một số kiểm tra cơ bản như khám sức khỏe, đo huyết áp, nhịp tim cũng được thực hiện.

Bạn không nên ăn hoặc uống trước khi thủ thuật diễn ra 8 tiếng và cần đi tiểu trước khi tiến hành. Một số trường hợp, bác sĩ có thể cho bạn ở lại bệnh viện theo dõi một đêm trước khi thực hiện.

Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn cho bạn những việc cần chuẩn bị trước khi thực hiện chụp mạch vành. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến quy trình thực hiện, bạn hãy hỏi lại để hiểu rõ hơn.

Quá trình chụp mạch vành diễn ra như thế nào?

Bạn sẽ nằm ngửa trên một chiếc giường có máy chụp X-quang hướng vào khu vực đầu ngực. Trong quá trình thực hiện, giường có thể điều chỉnh nghiêng theo nhiều hướng nên nhân viên y tế sẽ thắt dây an toàn qua ngực và chân bạn. Máy X-quang sẽ di chuyển qua lại để chụp từ nhiều góc độ và hiển thị lên màn hình.

Bạn sẽ được đặt một đường truyền tĩnh mạch trên cánh tay để có thể đưa thuốc và các chất khác vào cơ thể, chẳng hạn như an thần giúp bạn thư giãn. Tuy nhiên, bác sĩ vẫn có thể lay tỉnh bạn để thực hiện một số yêu cầu nhất định.

Máy đo nhịp tim, đo huyết áp, đo lượng oxy trong máu cũng được gắn vào cơ thể bạn để theo dõi các chỉ số cần thiết.

Tiếp theo, bạn cần cạo sạch lông và vệ sinh sạch sẽ tại vị trí luồn ống thông (catheter), bao gồm cổ tay hay đùi. Sau đó, bác sĩ sẽ khử trùng vị trí đó và gây tê tại chỗ bằng cách tiêm thuốc tê.

Một vết rạch nhỏ được thực hiện tại vị trí mở đường mạch máu và một ống nhựa ngắn (sheath) được đưa vào động mạch. Tiếp đó, ống thông (catheter) được luồn qua và đi vào mạch máu rồi từ từ đi đến động mạch vành.

Quá trình luồn ống thông vào trong mạch máu không gây đau và bạn cũng không cảm nhận được ống đang di chuyển trong cơ thể mình. Thuốc cản quang sau đó được tiêm vào mạch vành qua ống thông. Khi đó, bạn có thể có cảm giác nóng bừng hoặc hơi sốt. Nếu cảm thấy bất kỳ cảm giác khó chịu, đau đớn nào khác, hãy thông báo cho nhân viên y tế.

Trên hình ảnh X-quang thu được, chất cản quang sẽ giúp các cấu trúc trong lòng mạch máu nổi rõ lên. Khi di chuyển qua mạch máu, bác sĩ có thể quan sát dòng chảy và xác định chỗ mạch vành bị thu hẹp hay tắc nghẽn. Ống thông sẽ được xoay theo nhiều vị trí để chụp chọn lọc từng nhánh động mạch vành.

Điều gì xảy ra sau khi chụp mạch vành

Khi quá trình chụp động mạch vành kết thúc, ống thông được rút ra khỏi cổ tay hoặc đùi và vị trí này sẽ được băng ép kỹ lưỡng. Điều này sẽ giúp đảm bảo không để tình trạng chảy máu xảy ra.

Nếu bác sĩ chọn đường vào từ mạch máu tại đùi, bạn sẽ được yêu cầu nằm thẳng trên giường trong vài giờ để tránh bị chảy máu. Trong thời gian này, áp lực đè lên vị trí thông ống sẽ ngăn chảy máu và tăng tốc độ chữa lành vết thương.

Bạn có thể về nhà ngay trong ngày hoặc ở lại bệnh viên theo dõi thêm tùy theo quyết định của bác sĩ. Để mau chóng đào thải chất cản quang ra khỏi cơ thể, bạn nên uống nhiều nước. Thời điểm ăn uống lại bình thường là sau 4 đến 6 giờ từ lúc kết thúc thủ thuật.

Bác sĩ cũng sẽ thông báo cho bạn hay gia đình biết kết quả sau khi chụp mạch vành và giải thích vấn đề đang hiện diện (nếu có). Dựa vào đó, bạn cũng được nghe tư vấn về các phương pháp điều trị cho vấn đề đang gặp phải. Nếu sang thương đơn giản và nhất là trong bệnh cảnh cấp cứu, bác sĩ sẽ can thiệp trong cùng thì chụp động mạch.

Vị trí đưa ống thông vào mạch máu sẽ còn nhạy cảm một thời gian. Bạn có thể thấy tại đó hơi bầm tím và sưng nhẹ trong vài tuần nhưng sau đó sẽ lành da như một vết thương thông thường.

Tìm hiểu thêm: Giúp bạn lên kế hoạch tập thể dục giảm cân trong vòng 1 tháng

Các trường hợp được chỉ định chụp mạch vành

>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm Double test là gì? Khi nào thực hiện và quy trình ra sao?

Phục hồi

Phục hồi sau khi chụp mạch vành

Khi được cho phép về nhà, bạn hãy hỏi bác sĩ hoặc nhân viên y tế những việc nên làm và nên tránh thực hiện. Hãy hỏi khi nào bạn có thể tắm rửa như bình thường cũng như làm việc, thực hiện các hoạt động khác. Nhìn chung, bạn sẽ được khuyến cáo:

  • Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể
  • Tránh đứng quá lâu trong một thời gian
  • Tránh vận động quá mức hay nâng vật nặng ít nhất 1 tuần sau khi thực hiện thủ thuật
  • Uống nhiều nước trong 8 tiếng sau khi chụp mạch vành.

Trong quá trình hồi phục, bạn cũng cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường nào xảy ra. Hãy thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện nếu nhận thấy:

  • Có chảy máu, xuất hiện vết bầm mới hoặc sưng nề ở xung quanh vị trí đưa ống thông (catheter) vào.
  • Cảm giác đau, khó chịu tăng dần tại vị trí đưa ống thông vào.
  • Có dấu hiệu nhiễm trùng như tấy đỏ, chảy nước, mủ hoặc sốt.
  • Thay đổi thân nhiệt hoặc màu sắc da ở cánh tay/ chân nơi thực hiện thủ thuật.
  • Cảm thấy yếu hoặc tê ở cánh tay hay chân bên đưa ống thông vào.
  • Xuất hiện triệu chứng đau ngực hoặc thở nông, khó thở.

Nếu không có vấn đề gì, bạn sẽ mau chóng phục hồi sức khỏe sau khi chụp mạch vành và sinh hoạt lại bình thường như trước đây.

Hiểu rõ về các trường hợp được chỉ định chụp mạch vành là rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lý tim mạch. Từ những dấu hiệu ban đầu như đau thắt ngực ổn định đến những trường hợp nghiêm trọng hơn như cơn đau tim, chụp mạch vành đóng vai trò then chốt trong việc xác định tình trạng bệnh và đưa ra các phương án điều trị phù hợp. Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn chi tiết và sâu sắc hơn về quá trình chụp mạch vành và những trường hợp cần thiết phải thực hiện thủ thuật này để bảo vệ sức khỏe tim mạch một cách hiệu quả.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *