Lạm dụng thuốc kê toa

Lạm dụng thuốc kê toa

Bạn đang đọc: Lạm dụng thuốc kê toa

Tìm hiểu chung

Lạm dụng thuốc kê toa là gì?

Nếu bạn dùng thuốc không theo cách bác sĩ quy định sẽ được gọi là lạm dụng thuốc theo toa. Vấn đề này có thể bao gồm:

  • Dùng một loại thuốc được kê toa cho người khác
  • Dùng liều cao hơn liều lượng bạn được kê
  • Sử dụng thuốc theo một cách khác với toa kê, ví dụ như nghiền thuốc thành bột để hít hoặc tiêm
  • Sử dụng thuốc cho các mục đích khác để đạt cảm giác hưng phấn
  • Lạm dụng một số thuốc theo toa có thể dẫn đến nghiện. Chúng bao gồm thuốc phiện, thuốc an thần, thuốc giảm đau và các chất kích thích.

Mỗi loại thuốc có một số nguy cơ, tác dụng phụ khác nhau. Các bác sĩ khi kê toa thuốc phải hiểu rõ vấn đề này. Những người lạm dụng các loại thuốc này có thể không hiểu những rủi ro từ thuốc. Các thuốc có thể không an toàn cho họ, đặc biệt khi dùng liều cao hơn hoặc khi uống cùng với các loại thuốc khác.

Mức độ phổ biến của lạm dụng thuốc theo toa?

Lạm dụng thuốc theo toa là tình trạng khá phổ biến. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của lạm dụng thuốc theo toa?

Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng lạm dụng thuốc theo toa phụ thuộc vào loại thuốc cụ thể. Do tính chất thay đổi tâm thần của thuốc, các loại thuốc theo toa thường bị lạm dụng nhất là:

  • Thuốc phiện như oxycodone (Oxycontin, Roxicodone) và những thuốc có chứa hydrocodone (Vicodin, Lortab, Norco), được sử dụng để điều trị cơn đau.
  • Thuốc chống lo âu và thuốc an thần như alprazolam (Xanax), diazepam (Valium) và thuốc gây ngủ như zolpidem (Ambien), được sử dụng để điều trị rối loạn lo âu và giấc ngủ.
  • Các chất kích thích như methylphenidate (Ritalin, Concerta và những biệt dược khác), dextroamphetamine và amphetamine (Adderall XR) và dextroamphetamine (Dexedrine), được sử dụng để điều trị thiếu tập trung /rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và một số rối loạn giấc ngủ.

Các dấu hiệu và triệu chứng của lạm dụng thuốc kê toa

Các thuốc giảm đau opioid:

  • Táo bón
  • Buồn nôn
  • Cảm giác cao (hưng phấn)
  • Nhịp thở chậm
  • Buồn ngủ
  • Lẫn lộn
  • Phối hợp kém
  • Cơn đau gia tăng với liều cao hơn

Các loại thuốc an thần và các loại thuốc chống lo âu:

  • Buồn ngủ
  • Lẫn lộn
  • Đi không vững
  • Nói lắp
  • Kém tập trung
  • Chóng mặt
  • Các vấn đề với trí nhớ
  • Thở chậm

Các loại thuốc kích thích:

  • Giảm sự ngon miệng
  • Kích động
  • Nhiệt độ cơ thể cao
  • Mất ngủ
  • Cao huyết áp
  • Nhịp tim không đều
  • Lo lắng
  • Sợ hãi

Các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Dùng liều cao hơn so với toa được kê
  • Tính khí thất thường quá mức hoặc thái độ thù địch
  • Giấc ngủ tăng lên hoặc giảm đi
  • Khả năng ra quyết định kém
  • Biểu hiện hưng phấn, tràn đầy năng lượng một cách bất thường hay kích động hoặc lơ đãng
  • Thường xuyên báo cáo “mất’ toa thuốc, do vậy bác sĩ phải viết thêm nhiều toa khác
  • Các toa thuốc được kê từ nhiều hơn một bác sĩ

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nghĩ bản thân có thể có vấn đề với việc sử dụng thuốc theo toa. Bạn có thể cảm thấy xấu hổ khi nói về nó, nhưng hãy nhớ rằng các chuyên gia y tế được đào tạo để giúp bạn, không phán xét bạn. Nếu được giải quyết sớm, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn khi cơn nghiện hình thành và dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân nào gây ra lạm dụng thuốc theo toa?

Một số nguyên nhân có thể khiến bạn lạm dụng thuốc theo toa như:

  • Để có cảm giác thoải mái và hưng phấn
  • Để thư giãn hay giảm căng thẳng
  • Để giảm sự thèm ăn hoặc tăng sự tỉnh táo
  • Để thử nghiệm các chất tạo ra các hiệu ứng tinh thần
  • Để duy trì tình trạng nghiện ngập và chống lại sự cai nghiện
  • Để được chấp nhận bởi các đồng nghiệp hoặc quan hệ xã hội
  • Để cố gắng cải thiện sự tập trung và học tập hay hiệu suất công việc

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị lạm dụng thuốc theo toa?

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ lạm dụng thuốc theo toa như:

  • Đã bị nghiện trong quá khứ hay hiện tại với các chất khác, bao gồm rượu và thuốc lá
  • Lịch sử gia đình có các vấn đề lạm dụng thuốc
  • Tuổi trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên hoặc độ tuổi 20
  • Có một số bệnh tâm thần từ trước
  • Chịu áp lực từ bạn bè hoặc sống trong môi trường xã hội có sử dụng ma túy
  • Có sẵn các loại thuốc theo toa trong tủ thuốc gia đình
  • Thiếu kiến thức về các loại thuốc theo toa và tác hại tiềm ẩn của chúng

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán lạm dụng thuốc theo toa?

Các bác sĩ thường chẩn đoán lạm dụng thuốc theo toa căn cứ trên bệnh sử và các câu trả lời. Trong một số trường hợp, các dấu hiệu và các triệu chứng nhất định cung cấp manh mối cho việc chẩn đoán.

Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu có thể phát hiện ra nhiều loại thuốc được sử dụng. Những xét nghiệm này cũng được sử dụng để theo dõi sự tiến bộ của một người trong quá trình điều trị.

Những phương pháp nào dùng để điều trị lạm dụng thuốc theo toa?

Các lựa chọn cho việc điều trị tình trạng lạm dụng thuốc theo toa khác nhau, tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng và các nhu cầu của bạn. Tư vấn hoặc đôi khi liệu pháp tâm lý là một phần quan trọng trong điều trị. Việc điều trị cũng có thể yêu cầu sự cai nghiện (giải độc), thuốc cai nghiện và hỗ trợ phục hồi.

Tư vấn

Cố vấn về rượu và ma túy hoặc các chuyên gia về nghiện có thể cung cấp các buổi tư vấn cá nhân, nhóm hoặc gia đình. Cách này có thể giúp bạn:

  • Xác định những yếu tố có thể dẫn đến việc lạm dụng thuốc theo toa, như một vấn đề tiềm ẩn về sức khỏe tâm thần hoặc mối quan hệ
  • Tìm hiểu các kỹ năng cần thiết để chống lại cảm giác thèm ăn, tránh lạm dụng thuốc và giúp ngăn ngừa sự tái phát của vấn đề lạm dụng thuốc theo toa
  • Tìm hiểu chiến lược phát triển các mối quan hệ tích cực
  • Xác định các cách tham gia vào các hoạt động lành mạnh không liên quan đến ma túy
  • Tìm hiểu các bước cần thực hiện nếu tái phát xảy ra

Cai nghiện

Cai thuốc có thể nguy hiểm và nên được thực hiện dưới sự quan sát của bác sĩ.

  • Cai opioid. Việc ngừng sử dụng opioid bao gồm giảm dần liều thuốc cho đến khi thuốc không còn được sử dụng. Các loại thuốc khác như clonidine (Catapres), một loại thuốc chủ yếu sử dụng cho bệnh cao huyết áp, có thể giúp quản lý các triệu chứng xảy ra trong quá trình cai nghiện opioid. Buprenorphine, buprenorphine với naloxone (Suboxone) hoặc methadone có thể được sử dụng bởi các bác sĩ theo quy định pháp lý cụ thể và giám sát các tình trạng để giảm bớt các triệu chứng xảy ra do cai thuốc giảm đau opioid. Bác sĩ có thể tiêm mỗi tháng một lần Vivitrol, một phiên bản của thuốc naltrexone, để giúp những người mới phục hồi tránh xa opioid.
  • Cai các thuốc an thần hoặc các thuốc chống lo âu. Nếu đã sử dụng thuốc an thần theo toa hoặc thuốc chống lo âu trong một thời gian dài, bạn có thể mất vài tuần để giảm thuốc từ từ. Do các triệu chứng từ cai nghiện, cơ thể cần có thời gian để điều chỉnh với liều lượng thấp của thuốc và sau đó quen dần với tình trạng không sử dụng thuốc nữa. Bạn có thể cần các loại thuốc để ổn định tâm trạng, quản lý các giai đoạn cuối giảm dần thuốc hoặc giảm chứng lo âu. Bạn cần làm việc chặt chẽ với bác sĩ.
  • Cai các thuốc kích thích. Không có loại thuốc nào được phê duyệt sử dụng để điều trị cai nghiện các loại thuốc kích thích. Điều trị thường tập trung vào việc giảm liều đến dừng hẳn và giảm các triệu chứng do cai nghiện, như các rối loạn giấc ngủ, sự thèm ăn và tâm trạng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý lạm dụng thuốc theo toa?

Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn tránh lạm dụng thuốc theo toa:

  • Hãy chắc chắn rằng bạn nhận đúng thuốc. Cho bác sĩ biết về tất cả các toa thuốc, cũng như các loại thuốc không kê toa, thảo dược, thực phẩm bổ sung, rượu và ma túy mà bạn đang sử dụng. Hãy hỏi bác sĩ về loại thuốc thay thế với các thành phần có ít nguy cơ gây nghiện.
  • Kiểm tra với bác sĩ. Nói chuyện với bác sĩ thường xuyên để cập nhật hiệu quả của các loại thuốc bạn đang dùng và bảo đảm bạn đang dùng đúng liều.
  • Thực hiện theo hướng dẫn một cách cẩn thận. Sử dụng thuốc theo toa kê. Không tự dừng thuốc hoặc thay đổi liều thuốc khi thuốc đó dường như không có tác dụng mà không nói chuyện trước với bác sĩ. Ví dụ, nếu bạn đang dùng một loại thuốc giảm đau mà không kiểm soát hoàn toàn cơn đau của bạn, không tự uống với liều cao hơn.
  • Hiểu rõ về thuốc bạn bạn đang uống. Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ về những ảnh hưởng của thuốc, vì vậy bạn biết trước những gì có thể xảy ra. Ngoài ra, kiểm tra nếu các loại thuốc khác, các thuốc không kê toa hoặc rượu nên tránh khi dùng chung với thuốc bạn đang uống.
  • Không bao giờ sử dụng thuốc theo toa của người khác. Mỗi người sẽ có một phương pháp điều trị khác. Thậm chí nếu bạn có một tình trạng bệnh lý tương tự,  toa đó có thể không đúng thuốc hoặc liều cho bạn.
  • Không đặt mua thuốc theo toa trực tuyến trừ khi những hiệu thuốc đáng tin cậy. Một số trang mạng bán thuốc theo toa và thuốc không kê toa giả có thể gây nguy hiểm.
  • Thảo luận về những nguy hiểm. Nhấn mạnh với trẻ ở tuổi thanh thiếu niên rằng mặc dù thuốc được kê toa bởi bác sĩ không có nghĩa là thuốc đó hoàn toàn an toàn – đặc biệt là nếu thuốc được kê toa cho người khác hoặc nếu con bạn đã dùng toa thuốc khác.
  • Lập các quy tắc. Trẻ ở tuổi thanh thiếu niên phải biết rằng không được chia sẻ thuốc với người khác hoặc dùng toa thuốc của người khác. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dùng đúng thuốc, đúng liều theo toa và phải nói chuyện với bác sĩ trước khi cần thay đổi.
  • Thảo luận về những nguy hiểm của việc sử dụng rượu. Sử dụng rượu với thuốc có thể làm tăng nguy cơ tai nạn do quá liều.
  • Bảo quản thuốc theo toa của bạn ở nơi an toàn. Theo dõi số lượng và giữ thuốc trong tủ thuốc có khóa.
  • Hãy bảo đảm con bạn không đặt hàng thuốc trực tuyến. Một số trang web bán thuốc giả và các thuốc gây nguy hiểm mà không cần toa bác sĩ.
  • Loại bỏ thuốc đúng cách. Đừng giữ lại các thuốc không sử dụng hoặc hết hạn sử dụng. Kiểm tra nhãn hoặc thông tin hướng dẫn để xử lý các thuốc này đúng cách hoặc hỏi dược sĩ để được tư vấn về cách xử lý.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Hello Health Group không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

>>>>>Xem thêm: 14 cách giảm cân không cần ăn kiêng mà vẫn có vóc dáng chuẩn chỉnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *