Thuốc lắc (MDMA) là một chất kích thích hệ thần kinh. Khi lạm dụng thuốc lắc (MDMA) với liều cao, bạn sẽ gặp phải ảo giác, co giật, nôn mửa. Trong một số trường hợp, thuốc lắc có thể góp phần gây tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ,…
Bạn đang đọc: Lạm dụng thuốc lắc (MDMA) gây hại gì và cách cai nghiện
Cùng tìm hiểu về tình trạng này để nâng cao tầm quan trọng của việc không sử dụng chất kích thích nhé!
Tìm hiểu chung
Lạm dụng thuốc lắc MDMA là gì?
Thuốc lắc là một loại ma túy tổng hợp bất hợp pháp, thường được tiêu thụ ở dạng thuốc bột, viên nén hoặc dạng viên nang. Nó được phân loại là chất gây đồng cảm, có nghĩa là làm tăng cảm giác đồng cảm và lòng trắc ẩn đối với người khác. Nó cũng hoạt động như một chất kích thích, vì nó tăng tốc hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Ở liều lượng cao, thuốc còn có thể làm thay đổi nhận thức của người dùng về thực tế, gây ảo giác.
Mặc dù thuốc có thể được mọi người gọi với nhiều tên khác nhau, nhưng đều có chung hoạt chất 3,4-methylenedioxymethamphetamine (MDMA).
MDMA gây ra sự giải phóng serotonin và norepinephrine nhiều hơn dopamine. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ, cơn đau, cảm giác thèm ăn và các hành vi khác. Việc MDMA giải phóng quá mức serotonin có thể gây ra tác động nâng cao tâm trạng.
Tuy nhiên, bằng cách giải phóng một lượng lớn serotonin, MDMA khiến não cạn kiệt đáng kể chất dẫn truyền thần kinh quan trọng này, góp phần gây ra những hậu quả tâm lý tiêu cực trong vài ngày sau khi dùng MDMA. Cơ thể có hiện tượng nghiện thuốc, muốn dùng thuốc để tìm lại cảm giác hưng phấn trước kia.
Triệu chứng
Những dấu hiệu và triệu chứng lạm dụng thuốc lắc (MDMA) là gì?
MDMA bắt đầu hoạt động sau khoảng 20 phút kể từ khi dùng. Tác dụng thường kéo dài từ 3 đến 4 giờ. Các triệu chứng lạm dụng thuốc lắc có thể bao gồm:
- Hưng phấn
- Mãnh liệt
- Tự tin
- Rất tình cảm với người khác
Những người dùng nhiều thuốc lắc có thể bị:
- Cảm giác như họ đang trôi nổi
- Ảo giác
Ngoài ra, thuốc lắc cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn như:
- Giãn đồng tử
- Nghiến chặt hàm
- Nghiến răng
- Cảm giác ngứa ran ở tứ chi
- Tăng cường các giác quan
- Đổ mồ hôi
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau nhức cơ bắp
- Tăng huyết áp và nhịp tim
- Giảm thèm ăn
- Lo lắng
- Hoang tưởng
- Có những hành vi phi lý
Sau khi hưng phấn qua đi, người dùng có thể gặp phải tình trạng:
- Dễ cáu bẳn
- Lo lắng
- Hoang tưởng
- Khó ngủ
- Khó tập trung
Nhiều ngày sau khi lạm dụng thuốc lắc (MDMA), người sử dụng thường bị giảm cảm giác thèm ăn, rối loạn giấc ngủ, đau cơ, khó tập trung, trầm cảm.
Lạm dụng thuốc lắc (MDMA) quá liều có thể dẫn đến hôn mê hoặc tử vong. Dấu hiệu quá liều bao gồm:
- Kích động
- Có những hành vi không bình thường
- Khó chịu, hoang tưởng, hung hăng
- Lú lẫn
- Co giật
- Buồn nôn, nôn
- Đau ngực
- Tim đập nhanh
- Huyết áp cao
- Nhiệt độ cơ thể tăng rất cao
Đáng nói rằng không phải mọi loại thuốc lắc đang được bán trên thị trường đều chỉ chứa MDMA đơn thuần, nó có thể được trộn thêm các thuốc (amphetamin, ketamin, PMA, MBMe, cathinone tổng hợp) hay chất độn khác như chất tẩy rửa gia dụng. Điều này làm tăng nguy cơ quá liều, gây phản ứng xấu hoặc ngộ độc.
Quá nóng và mất nước đều là những vấn đề nghiêm trọng khi sử dụng thuốc lắc vào thời tiết nóng ẩm. Hậu quả có thể là tử vong. Tuy nhiên, uống quá nhiều nước sau khi dùng thuốc lắc cũng rất nguy hiểm.
Tác hại của lạm dụng thuốc lắc (MDMA) lâu dài
Những người sử dụng MDMA thường xuyên có thể gặp các tác dụng lâu dài, chẳng hạn như:
- Vấn đề về trí nhớ và sự tập trung, thuốc lắc có thể làm hư hỏng các tế bào não liên quan đến suy nghĩ và trí nhớ.
- Trầm cảm
- Huyết áp cao
- Nứt răng do nghiến
- Nghiện thuốc
- Giảm chất lượng cuộc sống
- Cảm lạnh hoặc cúm
Những người đã có vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc có tiền sử bệnh tâm thần không nên dùng MDMA. Nó có thể làm triệu chứng bệnh tồi tệ hơn nhiều.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Khi nghi ngờ mình nghiện thuốc lắc, bạn cần tìm đến bác sĩ để được hướng dẫn cai nghiện hiệu quả.
Nếu bạn thấy ai đó có triệu chứng quá liều hoặc ngộ độc thuốc lắc, hãy gọi cấp cứu ngay.
Nguyên nhân
Nguyên nhân nào gây ra lạm dụng thuốc lắc?
Giống như nhiều rối loạn sức khỏe tâm thần, một số yếu tố có thể góp phần gây ra nghiện ma túy. Các yếu tố chính là:
- Tiền sử gia đình nghiện
- Rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm…: Một số người có xu hướng tìm đến thuốc lắc để quên đi hiện tại.
- Bạn bè lôi kéo
- Thiếu sự quan tâm, giám sát, định hướng của gia đình.
- Sử dụng một số thuốc khi còn nhỏ có thể gây ra những thay đổi trong não đang phát triển và làm tăng khả năng nghiện ma túy.
Tìm hiểu thêm: Viêm xoang trán gây những biến chứng gì? Điều trị như thế nào?
>>>>>Xem thêm: Nứt đầu ti khi cho con bú: Hé lộ nguyên nhân bất ngờ
Chẩn đoán và điều trị
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Chẩn đoán lạm dụng thuốc lắc (MDMA)?
Chẩn đoán lạm dụng thuốc lắc đòi hỏi các đánh giá kỹ lưỡng và thường xuyên bao gồm các đánh giá của bác sĩ tâm thần, bác sĩ tâm lý hoặc nhân viên tư vấn về rượu và ma túy.
Xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc các xét nghiệm khác được sử dụng để đánh giá việc sử dụng ma túy, nhưng chúng không phải là một xét nghiệm chẩn đoán nghiện. Tuy nhiên, các xét nghiệm này có thể được sử dụng để theo dõi điều trị và phục hồi.
Để chẩn đoán rối loạn sử dụng các chất nghiện, hầu hết các chuyên gia về sức khỏe tâm thần đều sử dụng các tiêu chuẩn trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5).
Điều trị lạm dụng thuốc lắc (MDMA)
Phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay dành cho bệnh nhân nghiện hay lạm dụng thuốc lắc (MDMA) là các biện pháp can thiệp hành vi nhận thức. Liệu pháp này được thiết kế để giúp thay đổi suy nghĩ, kỳ vọng và hành vi của bệnh nhân, đồng thời nâng cao kỹ năng đối phó với các yếu tố gây căng thẳng trong cuộc sống. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ có thêm những biện pháp để hỗ trợ quá trình phục hồi lâu dài.
Hiện tại có một số mục tiêu về thuốc tỏ ra đầy hứa hẹn trên các mô hình động vật và trong một số thử nghiệm lâm sàng ban đầu. Tuy nhiên, đến nay vẫn không có loại thuốc nào được FDA phê chuẩn để điều trị chứng nghiện thuốc lắc.
Phòng ngừa
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý lạm dụng thuốc lắc?
Lối sống và các biện pháp khắc phục tại nhà sau có thể giúp bạn đối phó với lạm dụng thuốc lắc:
- Gặp chuyên gia trị liệu hoặc nhân viên tư vấn về ma túy và rượu.
- Tìm cách điều trị các rối loạn sức khỏe tâm thần khác.
- Tham gia vào cộng đồng hay nhóm hỗ trợ.
Qua bài viết này, hi vọng bạn đã biết về tác hại của thuốc lắc và tầm quan trọng của việc chống lạm dụng thuốc lắc (MDMA). Đừng bao giờ tò mò thử sử dụng loại ma túy tổng hợp này hay bất kì chất kích thích nào khác. Khi đã nghiện, sẽ rất cực khổ để cai thành công.