Nhiễm vi khuẩn HP là một trong những nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày tá tràng và một số vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa.
Bạn đang đọc: Nhiễm vi khuẩn HP là gì? Triệu chứng và các nguy cơ không thể xem nhẹ
Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp hạn chế các tổn thương cho dạ dày cũng như ngăn ngừa các bệnh tiêu hóa liên quan. Mời bạn cùng Kenshin.vn tìm hiểu về vấn đề này với bác sĩ Trần Thị Thanh Tuyền.
Nội Dung
Nhiễm khuẩn HP là gì?
HP là loại vi khuẩn được tìm thấy trong đường tiêu hóa và có xu hướng tấn công niêm mạc dạ dày. Chữ “H” trong tên của loại vi khuẩn này là viết tắt của Helicobacter. Trong đó, “Helico” có nghĩa là hình xoắn ốc, đây cũng là hình dạng của vi khuẩn HP. Có khoảng 60% dân số trưởng thành trên thế giới được phát hiện có vi khuẩn HP trong dạ dày.
HP có thể sống trong môi trường có tính axit, khắc nghiệt của dạ dày. Những vi khuẩn này có thể thay đổi môi trường xung quanh và giảm độ axit để chúng có thể tồn tại. Hình dạng xoắn ốc giúp vi khuẩn HP xâm nhập vào niêm mạc dạ dày của bạn và chúng được bảo vệ bởi chất nhầy, điều này khiến các tế bào miễn dịch không thể tiếp cận để tiêu diệt vi khuẩn. Từ đó, có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày.
Nguyên nhân gây nhiễm vi khuẩn HP
Nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễm vi khuẩn HP ở người vẫn chưa được xác định. Chúng được truyền từ người này sang người khác khi tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch nôn hoặc phân của người có mang vi khuẩn HP. Bên cạnh đó, chúng còn có thể lây qua việc ăn chung, uống chung với người nhiễm khuẩn hoặc lây qua nguồn nước bị ô nhiễm.
Ngoài ra, còn có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng nhiễm khuẩn HP bao gồm: Sống trong điều kiện đông đúc, không có nguồn nước sạch, điều kiện vệ sinh kém và sống cùng với người nhiễm loại vi khuẩn này.
Nhiễm vi khuẩn HP: Các triệu chứng thường gặp
Hầu hết những người nhiễm khuẩn HP không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bị viêm loét. Các triệu chứng có thể bao gồm: đau dạ dày nhất là khi dạ dày trống rỗng vào ban đêm hoặc vài giờ sau bữa ăn. Cơn đau âm ỉ hoặc theo từng cơn và việc dùng các loại thuốc kháng axit có thể giúp làm giảm cơn đau này.
Nếu cơn đau dữ dội và không biến mất, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Ngoài ra, một số triệu chứng sau đây có thể liên quan đến vi khuẩn HP, bao gồm: ợ hơi nhiều, đầy hơi, ợ nóng, buồn nôn, sốt, chán ăn, sút cân.
Vi khuẩn HP gây nên bệnh gì?
Việc nhiễm khuẩn HP là nguyên nhân gây ra phần lớn các vết loét trong dạ dày – tá tràng và ruột non hoặc dẫn đến tình trạng viêm niêm mạc. Dưới đây là một số căn bệnh do vi khuẩn HP gây nên:
- Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày: Khi nhiễm khuẩn HP trong giai đoạn cấp tính, bạn sẽ có biểu hiện lâm sàng như: đầy bụng, buồn nôn, chán ăn. Có trường hợp sẽ tự khỏi nhưng cũng có trường hợp người bệnh chuyển sang giai đoạn viêm mạn tính niêm mạc dạ dày.
- Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày: Khi bị viêm mạn tính, dạ dày của bạn sẽ gặp 2 trường hợp sau: viêm teo chủ yếu tại vùng hang vị dạ dày, trường hợp này thường tăng bài tiết axít tại dạ dày, dẫn tới loét hành tá tràng. Trường hợp thứ 2 là viêm teo từ hang vị sẽ lan lên thân vị. Nếu tình trạng viêm nặng hơn, có thể sẽ dẫn đến tình trạng viêm teo toàn bộ niêm mạc dạ dày. Tuy nhiên, nhiễm khuẩn HP không phải là nguyên nhân duy nhất gây nên bệnh viêm mạn tính niêm mạc dạ dày.
- Loét dạ dày tá tràng: Đây là bệnh được bác sĩ chẩn đoán qua nội soi dạ dày tá tràng phát hiện ổ loét. Tình trạng này thường gặp ở người có độ tuổi từ 20 – 50, vị trí ổ loét thường gặp tại phần đầu tá tràng hay còn gọi là hành tá tràng. Loét dạ dày tá tràng có thể gây thủng dạ dày tá tràng.
- Ung thư dạ dày: Tổ chức Y tế thế giới chính thức xếp vi khuẩn HP là một trong số những nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên, ung thư dạ dày cũng còn có nhiều nguyên nhân khác và không phải ai bị nhiễm khuẩn HP cũng bị ung thư dạ dày.
- U lympho B lớp niêm mạc dạ dày: Vi khuẩn HP cũng có thể gây ra ung thư lympho B tại biểu mô niêm mạc dạ dày. Loại ung thư này sẽ ngừng phát triển và khỏi hoàn toàn sau khi đã diệt hết vi khuẩn HP, tỷ lệ các ca khỏi bệnh là 60 – 80%.
- Chứng khó tiêu chức năng: Là một trong những bệnh do vi khuẩn HP gây ra, bệnh có biểu hiện: đau, nóng rát vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, các triệu chứng này thường giảm đi sau khi ăn khoảng 30 phút đến 2 giờ.
Làm thế nào để chẩn đoán bị nhiễm vi khuẩn HP?
Tìm hiểu thêm: Đau tai sau khi bị nước vào phải làm sao? Cách xử lý để tránh nhiễm trùng tai
>>>>>Xem thêm: Bạn có biết bị u màng não sống được bao lâu?
Để chẩn đoán bạn có nhiễm khuẩn HP hay không, các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm hoặc thủ tục sau:
- Xét nghiệm máu: Bạn sẽ được lấy mẫu máu để tìm kháng thể chống lại vi khuẩn HP. Bởi khi nhiễm vi khuẩn HP, cơ thể sẽ sinh ra loại kháng thể này và chúng có trong máu. Tuy nhiên, vì vi khuẩn HP có thể ẩn náu ở một số khu vực khác hoặc cũng có thể vi khuẩn HP trong dạ dày đã được tiêu diệt hết nhưng kháng thể vẫn tồn tại trong máu. Vì vậy, nếu chỉ dựa trên xét nghiệm máu thì chưa chắc đã cho ra kết quả chính xác.
- Kiểm tra phân: Bạn có thể được lấy mẫu phân để kiểm tra các dấu hiệu của vi khuẩn HP trong phân do chúng tồn tại trong dạ dày nên sẽ được thải qua phân. Việc kiểm tra này sẽ cho kết quả chính xác với chi phí hợp lý. Tuy nhiên thời gian để cho kết quả thường không nhanh chóng như các xét nghiệm khác.
- Kiểm tra hơi thở: Bác sĩ sẽ cho bạn nuốt một chế phẩm có chứa urê gắn đồng vị không phóng xạ C13 hoặc đồng vị phóng xạ C14. Nếu vi khuẩn HP có mặt, chúng sẽ giải phóng một loại enzyme phá vỡ sự kết hợp này và giải phóng carbon dioxide, thiết bị kiểm tra sẽ phát hiện và cho kết quả, dựa trên khí carbon dioxide thở ra có gắn đồng vị carbon. Test hơi thở cho kết quả chính xác và phù hợp với nhiều đối tượng, nhất là trẻ em. Không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em dưới 3 tuổi.
- Nội soi: Nếu nội soi , bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ dài và mỏng gọi là ống nội soi vào miệng và đi xuống dạ dày, tá tràng để có những kết luận chính xác. Đây cũng là cách phổ biến nhất trước đây, nhưng giờ không phải là phương pháp duy nhất và lựa chọn đầu tay giúp phát hiện vi khuẩn HP. Việc nội soi sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng nhiễm khuẩn và mức độ thương tổn, vị trí thương tổn của dạ dày. Phương pháp này được dùng khi bệnh nhân không đáp ứng điều trị, có biến chứng xuất huyết tiêu hoá, nghi ngờ có tổn thương dạ dày như loét, hoặc ung thư, nhất là những người trên 30 tuổi, tiền căn gia đình có ung thư dạ dày.
Phòng tránh lây nhiễm
Để phòng tránh lây nhiễm vi khuẩn HP cho bản thân và gia đình, bạn cần lưu ý một số biện pháp sau:
- Rửa tay sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn
- Hạn chế ăn, uống nguồn thực phẩm không đảm bảo vệ sinh
- Thức ăn cần được nấu chín, đun sôi
- Kiểm tra vi khuẩn HP khi có các dấu hiệu bệnh dạ dày và tuân thủ điều trị theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa để tránh kháng thuốc
- Nên sử dụng bát đũa riêng và vệ sinh bát đũa sạch sẽ, tránh lây nhiễm nếu sống cùng người bệnh.
Với những thông tin vừa rồi, hy vọng bạn đã hiểu hơn về vi khuẩn HP. Nếu đã nhiễm khuẩn HP, bạn hãy kiểm soát căng thẳng, có chế độ ăn uống lành mạnh và giảm sử dụng thức ăn cay, nóng để không dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn.